Thành thật mà nói, đã có một khoảng thời gian mình viết rất ít, thậm chí ngừng viết. Mình từng cho rằng quay lại với con chữ sau khi tạm nghỉ có gì khó đâu, chỉ cần luyện viết chăm chỉ là được, vì năng lực viết và kiến thức chuyên môn của mình vẫn còn đó cơ mà. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như mình nghĩ. Chẳng dễ dàng để tập trung viết và viết hay, viết nhanh như trước đây. Vô vàn lần mình đã viết được vài ngày rồi lại chán nản và ngừng viết. Mình đã chật vật rất nhiều và rất lâu để thoát khỏi quãng lặng tăm tối đó.
Nếu bạn cũng giống như mình thì bạn không đơn độc. Hãy để mình chia sẻ với bạn cách mình chấm dứt nốt trầm tưởng chường như không bao giờ kết thúc ấy.
Mục lục bài viết
Tìm lại cảm hứng viết lách từ sách truyện, phim ảnh
Khi xa rời con chữ quá lâu, thật khó để bạn bắt đầu viết lại. Những ý tưởng dường như đã lẩn trốn vào bóng đêm. Ngón tay di chuyển ngập ngừng trên bàn phím, mà hầu hết là dừng lại ở nút Backspace. Câu chữ lộn xộn, lủng củng tràn ngập trang giấy. Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy thật chán nản và muốn từ bỏ.
Trong khoảng thời gian khó khăn ấy, mình thường xem phim, đọc sách để tìm lại cảm hứng và nạp nguyên liệu cho việc viết. Dẫu vậy, mình không chọn bừa một cuốn sách hoặc chạy theo những bộ phim đang làm mưa, làm gió trên mạng xã hội. Mình thường ưu ái những tác phẩm sâu sắc, có nhiều bài học, thông điệp được gửi gắm phía sau khung hình và con chữ. Điều này đánh thức những rung cảm và khiến mình trăn trở, suy nghĩ để từ đó bơm đầy cảm xúc và con chữ trên trang giấy.
Ngoài ra, mình cũng lựa chọn những bộ phim, cuốn sách liên quan đến lĩnh vực viết mà mình theo đuổi: Sức khỏe phụ nữ – trẻ em. Mình thường đọc những cuốn sách về thai kỳ, chăm sóc trẻ sơ sinh và theo dõi các bộ phim về mang thai, làm cha mẹ, bao gồm cả phim tài liệu, phim điện ảnh và truyền hình. Mục đích là để học hỏi kiến thức, thăm dò cách viết của các tác giả khác và phát triển chuyên mục Must-watch, Must-read cho các bậc phụ huynh sắp hoặc mới có con.
Nhớ lại lý do bạn viết và mơ về tương lai tươi đẹp
Khi mới quay trở lại với con chữ, mình cảm thấy nản lòng vô cùng. Đầu óc trống rỗng không một ý tưởng, rất muốn viết nhưng lại chẳng thể viết được điều gì ra hồn. Mình đã nhiều lần cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống. Những lúc như vậy mình tự hỏi bản thân viết vì điều gì, lý do nào khiến mình từ bỏ công việc ổn định tại bệnh viện để lựa chọn viết lách?
Với mình, đó là ước muốn về một cuộc sống tự do, được làm điều mình thích, được phát triển sự nghiệp theo lựa chọn của mình chứ không phụ thuộc vào bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác. Mình muốn viết để chia sẻ kiến thức hữu ích cho cộng đồng, để mọi người hiểu rằng phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Và sự nhìn lại ấy thực sự hữu ích với mình. Mình vững tin hơn vào con đường mình đã chọn. Mình được tiếp thêm sức mạnh trong những giai đoạn khó khăn.
Đôi khi, mình cũng cho phép bản thân mơ lớn để có thêm động lực làm việc. Nếu mình viết lách đều đặn thì sau 1 tháng, 1 năm và 5 năm nữa, mình sẽ thế nào? Múa bút nhuần nhuyễn hơn cả trước đây? Hợp tác với nhiều khách hàng cùng lúc? Lượng follower tăng lên chục lần? Trở thành tác giả sách bán chạy hay là solopreneur thành công với doanh thu 10 con số hàng tháng?
Hãy để trí tưởng tượng của bạn bay xa vì đâu ai đánh thuế giấc mơ, phải không? Hãy tin rằng những khó khăn trước mắt chỉ là chướng ngại nhỏ. Chỉ cần bạn quyết tâm vượt qua, bạn có thể chạm tới giấc mơ lớn của mình.
Xây dựng nghi thức trước khi viết
Mình có một thói quen trước khi bắt đầu viết. Mình sẽ chuẩn bị một tách trà nóng rồi sắp xếp bàn làm việc. Trên bàn của mình chỉ có 5 món đồ: máy tính ở chính giữa bàn, chuột, sổ tay và bút ở phía bên phải, tách trà ở phía bên trái. Sau đó, mình sẽ mở cửa sổ để nắng mai rực rỡ và tiếng chim hót ùa vào phòng. Trước khi đặt tay lên bàn phím, mình sẽ uống một ngụm trà, hít thở sâu vài nhịp và cảm nhận cơ thể được ủ ấm từ đầu tới chân.
Nghi thức thật ra là một thói quen được lặp đi lặp lại hàng ngày. Việc xây dựng nghi thức trước khi viết giúp bộ não hiểu rằng bây giờ bạn cần phải viết và cơ thể sẽ nhanh chóng bắt nhịp với con chữ.
Bạn hãy xây dựng nghi thức dựa vào sở thích của bản thân. Thay vì uống trà giống mình, bạn có thể chuẩn bị cà phê, nước ép hoa quả hoặc đơn giản là nước lọc. Làm việc trong phòng hoặc ngoài trời đều được, nếu thiên nhiên giúp bạn có thêm cảm hứng viết. Thiền hoặc tập thể dục trước khi bắt đầu cũng là một nghi thức hiệu quả. Hãy thử tất cả và tìm ra nghi thức phù hợp với bạn nhé!
Viết về chủ đề nào cũng được, miễn là bạn hứng thú
Khi mới quay lại viết lách, hãy lựa chọn bất cứ chủ đề nào bạn muốn viết. Mình từng viết về những cảm xúc và bài học sau khi thưởng thức các bộ phim, chứ không phải nội dung về sức khỏe. Viết về điều mình thích bao giờ cũng dễ dàng hơn, phải không? Hơn nữa, những bài viết ấy không hề vô ích với độc giả mục tiêu của mình. Mình có thể tập hợp những bài review phim đó thành chuyên mục Must-watch cho các bậc phụ huynh.
Vì vậy, bạn đừng quá khắt khe với chính mình. Đừng ép bản thân phải viết các nội dung về sức khỏe vì đó là lĩnh vực bạn theo đuổi. Đừng yêu cầu bài viết phải hoàn hảo và thú vị như những nội dung trước đây bạn từng sáng tạo. Hãy cho cơ thể và bộ não của bạn thời gian để làm quen, bắt nhịp và trở về như trước đây, thậm chí tốt hơn cả trước đây. Chỉ cần bạn kiên nhẫn và không bỏ cuộc.
Bắt đầu với các bản nháp cũ
Thay vì bắt đầu với một ý tưởng hay chủ đề mới hoàn toàn, mình thường tận dụng những bản nháp cũ. Đó có thể là vài trang word gõ dở và bị lãng quên trong máy tính, hoặc những ý tưởng, dàn ý mà mình ghi chú vội vàng trong điện thoại từ nhiều tháng trước.
Ưu điểm của cách này là mình không cần cất công suy nghĩ và tìm kiếm ý tưởng mới. Mình chỉ cần chỉnh sửa những bản nháp lộn xộn trước đây thành bài viết hoàn chỉnh. Mình cũng có cơ hội đọc lại bài viết của bản thân để tìm lại con đường vốn có trong mình nhưng đang bị lá rụng che lối.
Chậm rãi nhưng đều đặn
Điều quan trọng để không bỏ cuộc giữa chừng là đều đặn. Bạn không cần viết 2000 – 3000 từ mỗi ngày hay phải hoàn thiện một bài viết nuột nà từ đầu tới cuối. Thay vào đó, chỉ cần viết 500 – 1000 từ nhưng đều đặn, liên tục, không bỏ ngày nào, dù là ngày thường hay cuối tuần, dù bạn khỏe hay ốm, dù hôm nay thảnh thơi hay bận rộn. Khi viết đều đặn hàng ngày, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra bản thân thay đổi rõ ràng như thế nào.
Ngừng so sánh bản thân với người khác
Có một quãng thời gian, mình luôn so sánh bản thân với các cây viết khác. Trước đây họ với mình đều là newbie writer, vậy mà sau thời gian mình tạm nghỉ, họ đã tiến xa được nhường này, thu nhập đã gấp đôi, gấp ba so với trước kia. Mình tự hỏi rằng nếu mình không ngừng viết thì bây giờ mình có thành công giống như họ không?
Chính sự so sánh ấy đã khiến mình càng chán nản và thất vọng hơn. Mình sợ hãi khi phải bắt đầu lại từ con số 0, lo lắng sự thất bại của mình chẳng may bại lộ trước mặt người khác. Vì vậy, mình ẩn mình trên mạng xã hội, hạn chế tương tác và giao tiếp với mọi người. Nhưng mình vẫn cố chấp theo dõi và so sánh bản thân với họ. Mình vẫn âm thầm ước có thể tham gia cùng họ và giỏi giang như họ.
Mạng xã hội đã mang đến cho mình nhiều cảm xúc tiêu cực hơn là tích cực. Mình quyết định xóa facebook và ngừng quan sát người khác rồi so sánh bản thân với họ. Phía sau sự hào nhoáng của tất cả mọi người đều có những góc khuất. Họ đã phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt trước khi có được thành quả hôm nay. Và cũng chẳng hề công bằng khi chỉ nhìn vào thành công của người khác rồi cảm thấy bản thân thật tồi tệ. Rõ ràng, mình cũng có những điểm mạnh mà người khác không có. Thay vì tập trung vào những gì ta thiếu hụt, trân trọng và phát huy điểm mạnh của bản thân chẳng phải sẽ tốt hơn sao?
Hi vọng rằng những tâm sự chân thật của mình có thể tiếp thêm cho bạn chút động lực để mạnh mẽ đứng lên và kiên trì bắt đầu lại. Chào đón bạn quay lại với con chữ. Mình mong sớm được đọc những nội dung xuất sắc của bạn! Chỉ cần bắt đầu, ắt có kết quả. Hãy tin như vậy, bạn nhé!