Mấy tháng trước, mình quyết định đăng ký một liệu trình sinh tố – nước ép – sữa hạt để tăng cường sức khỏe. Có hai thương hiệu khiến mình phân vân: thương hiệu X thành lập cách đây không lâu và thương hiệu Y có tiếng hơn với giá thành cao gấp đôi thương hiệu kia. Mình đã đặt thử một chai sinh tố của mỗi thương hiệu để xem thức uống của thương hiệu nào ngon hơn. Bạn đoán kết quả là gì? Đúng vậy, mình đã chấp nhận trả nhiều tiền hơn để chọn thương hiệu Y. Nhưng yếu tố khiến mình quyết định như vậy không phải là chất lượng của thức uống mà bởi thái độ của nhân viên giao hàng.
Chuyện là anh shipper của thương hiệu đắt tiền kia khi đưa sữa đến cho mình đã nói như sau: “Hạnh Trang ơi, anh là nhân viên vận chuyển của Y. Anh đến giao nước cho em. Em xuống nhận nước nhé!”.
Bạn nghĩ điều gì trong câu nói của anh shipper đã khiến mình sẵn sàng chi trả số tiền cao gấp đôi? Chính là anh ấy gọi tên mình. Có thể bạn đang thắc mắc câu chuyện này thì liên quan gì đến viết lách tự do. Sự thật là việc gọi tên một cá nhân không giúp bạn viết tốt hơn nhưng sẽ phục vụ đắc lực cho sự nghiệp tự do của bạn.
Mục lục bài viết
Hãy gọi tên khách hàng
Hãy gọi tên khách hàng khi bạn muốn tiếp cận họ và trong suốt quá trình làm việc. Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn với khách hàng đồng thời cho khách hàng thấy bạn là người lịch sự, chuyên nghiệp. Ngoài ra, việc được gọi tên luôn khiến chúng ta cảm thấy gần gũi và mang đậm màu sắc cá nhân.
Nếu đây là lần đầu bạn tiếp cận khách hàng, khách hàng sẽ có cảm tình và ấn tượng tốt về bạn. Còn nếu hai bên đang làm việc với nhau thì mối quan hệ giữa bạn và khách hàng sẽ ngày càng gắn kết hơn. Ấn tượng tốt và mối quan hệ gắn kết chính là chìa khóa để bạn có được công việc đầu tiên, thậm chí là nhiều công việc trong tương lai từ chỉ một khách hàng.
Vì vậy, đừng suồng sã gọi “Anh ơi” hay viết chung chung “Kính gửi chị”, mà hãy kèm theo tên của khách hàng. Chẳng hạn, khi gửi email tiếp cận khách hàng hoặc khi nhắn tin trao đổi công việc, mình luôn gửi lời chào kèm theo tên của họ.
Nhưng làm sao để bạn biết được tên của khách hàng? Thật đơn giản nếu khách hàng tự giới thiệu tên của họ với bạn, nhưng nếu không, hãy cố gắng tự tìm hiểu bằng cách xem địa chỉ email, tên tài khoản facebook, zalo của khách hàng hoặc kiểm tra chữ ký bên dưới email nếu khách hàng đã hồi đáp bạn.
- Trong trường hợp khách hàng không để tên thật trên facebook (mặc dù tình huống này khá ít), bạn hãy đọc một số bình luận ở các bài viết của khách hàng. Mục đích là xem bạn bè của khách hàng có vô tình tiết lộ tên thật của họ không.
Đôi khi bạn sẽ bối rối không biết mình đã xác định đúng tên của khách hàng chưa. Chẳng hạn, địa chỉ email của mình là [email protected] và nhiều khách hàng đã nhầm tên mình là Hạnh chứ không phải Trang. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ cách viết tên trong tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau. Trong trường hợp này, bạn nên dành một chút thời gian để kiểm tra các kênh thông tin khác nhau của khách, từ đó biết được đâu là tên chính xác của họ.
Nếu không thể tìm ra thì sao? Lúc này, bạn có thể viết tên của khách đúng theo thứ tự trên email. Sau khi khách hàng hồi đáp, hãy khéo léo hỏi tên của họ để tiện trao đổi.
Ưu tiên phương thức liên lạc cá nhân
Câu chuyện gọi tên khách hàng sẽ hơi khó áp dụng nếu bạn tiếp cận một phòng ban chứ không phải cá nhân. Ví dụ, bạn gửi email đề nghị hợp tác với tòa soạn của các tạp chí online hoặc gửi CV ứng tuyển cho phòng tuyển dụng.
Lời khuyên của mình trong trường hợp này là bạn hãy cố gắng tìm được phương thức liên hệ cá nhân của người đứng đầu hoặc quản lý. Chẳng hạn, nếu bạn muốn gửi bài cho chuyên mục sức khỏe của tạp chí online, hãy tìm kiếm hòm thư của trưởng ban biên tập hoặc phóng viên của chuyên mục đó. Bạn có thể tìm được những thông tin quý giá này thông qua networking với các cây viết khác hoặc mạnh dạn nhắn tin hỏi tòa soạn.
Tiếp cận khách hàng theo phương thức liên hệ cá nhân là bí quyết để tăng tỷ lệ mở email cũng như nâng cao khả năng trúng tuyển.
Trong trường hợp không tìm được phương thức liên hệ cá nhân của khách hàng, bạn có thể gửi email tới hòm thư chung nhưng hãy đề tên của người quản lý hoặc đứng đầu. Ví dụ, một số tin tuyển dụng thường ghi “Liên hệ với anh/ chị A qua hòm thư B”. Lúc này, bạn có thể mở đầu email bằng lời chào “Kính gửi anh/ chị A”.
Giống như câu chuyện mua hàng mà mình kể cho bạn phía trên, đôi khi ấn tượng với một thương hiệu, một cá nhân không đến từ sản phẩm của họ mà xuất phát từ cách ứng xử của người đó hoặc nhân viên của thương hiệu đó. Bạn hãy ghi nhớ và vận dụng bí quyết này để chinh phục và hợp tác dài lâu với khách hàng nhé!