“Tất cả những bài viết của mình phải thật hoàn hảo trước khi xuất bản. Mình phải trở thành chuyên gia trước khi bắt đầu viết. Phải có người dẫn đường chỉ lối thì mình mới có thể thành công trên con đường viết lách”… Nghe có quen không? Đó là 3 trong số những niềm tin sai lầm mà mình từng mắc phải khi trở thành cây viết tự do. Những suy nghĩ ấy khiến mình sợ hãi, chần chừ, chán nản và ngừng viết. Nhưng may mắn là mình không bị trôi tuột xuống con dốc thẳng đứng. Mình chỉ dừng lại vừa đủ để nghỉ ngơi, sau đó suy nghĩ thông suốt rồi tiếp tục cầm bút lên và viết.
Nhưng liệu lần sau mình có thể may mắn như vậy? Liệu có phải tất cả chúng ta đều làm được điều đó? Hay một khi đã dừng lại, chúng ta sẽ ngừng viết mãi mãi, giống như câu thoại trong bộ phim Chicago Typewriter: “Một nhà văn không thể viết là một nhà văn đã chết”?
Mục lục bài viết
5 niềm tin sai lầm khiến bạn ngừng viết
Nếu một ngày bạn không muốn viết hoặc không thể viết, bạn đứng trước gương và soi chiếu bản thân, xem liệu bạn có đang vướng phải những niềm tin sai lầm sau đây không.
Luôn chờ đợi những điều hoàn hảo
Chắc bạn đã từng nghe đến câu nói “hoàn thành hơn hoàn hảo” nhưng cảm giác xuất bản một tác phẩm còn thiếu sót không dễ dàng chút nào phải không? Đặc biệt nếu bạn là người cầu toàn, kỹ tính thì lại càng khó hơn.
Cách đây gần 2 năm, có một người bạn nói với mình rằng cô ấy muốn viết và mong mình có thể giúp đỡ cô ấy. Mình đồng ý ngay lập tức. Mình sẵn sàng chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm của bản thân cũng như góp ý cho các bài viết của cô ấy. Nhưng mãi tới giờ, mình vẫn chưa nhận được bất kỳ bài viết nào từ người bạn ấy. Bạn nghĩ lý do là gì? “Mình muốn tìm kiếm một ý tưởng thật tâm đắc, mình muốn tác phẩm đầu tay phải thật chỉn chu và hoàn hảo. Vì thế, cậu hãy đợi mình thêm một chút nhé!”. Đó là lời giải thích của cô ấy với mình.
Bạn đã bao giờ như vậy chưa: cố gắng chờ đợi, tìm kiếm và chạy theo những điều hoàn hảo? Mình biết cảm giác viết được một tác phẩm tâm đắc thật sự tuyệt vời. Tới giờ, mỗi khi đọc lại những bài viết ưng ý của bản thân, mình vẫn thấy lâng lâng, hạnh phúc. Nhưng sự thực thế nào là tâm đắc, ưng ý, hoàn hảo? Và bao lâu thì bạn có được một tác phẩm như vậy? Con số đó với mình là vài tháng, đôi khi là vài năm.
Hãy thử tính nhẩm xem, trong thời gian 3 tháng, mình đã viết được 200.000 từ, còn người bạn của mình vẫn chưa thể cầm bút lên. Trong khi những cây viết khác đang nỗ lực tiến lên từng chút một thì bạn dừng lại và đứng nguyên một chỗ. Vậy bạn sẽ chọn gì: chờ đợi sự hoàn hảo bất ngờ rơi trúng đầu hay kiên cường nhào tới để tiến bộ hơn mỗi ngày?
Tin rằng bản thân không đủ năng lực
Mình liên tục bị khách hàng từ chối trong những tháng làm việc đầu tiên. Khi đó, mình đã hoài nghi năng lực của bản thân, rằng liệu có phải mình kém cỏi và viết tệ quá không. Sau này, ngay cả khi đã có khách hàng ổn định, thỉnh thoảng mình vẫn rơi vào phức cảm tự ti đó. Mình tin cảm xúc này cũng xuất hiện ở rất nhiều cây viết khác.
Mình từng gợi ý cho một người bạn viết bài chia sẻ kiến thức về dinh dưỡng để giúp mọi người ăn đúng hơn, ngon hơn và khỏe mạnh hơn. Sau khi nghe xong, người bạn của mình giãy nảy lên và lắc đầu ngay lập tức. Cô ấy sợ không có đủ kiến thức, sợ chia sẻ thông tin không chính xác và cảm giác “múa rìu qua mắt thợ” khiến cô ấy bất an. Nhưng điều đó không đúng bởi mình biết người bạn của mình có khả năng viết và được đào tạo bài bản về dinh dưỡng.
Nỗi sợ bản thân không đủ năng lực sẽ giam cầm và nuốt chửng bạn. Nếu bạn không muốn bị tiêu diệt, bạn phải chiến thắng nỗi sợ đó. Bạn sợ kỹ năng viết của mình chưa tốt ư? Hãy đọc đi đọc lại bài viết của mình để nhận ra yếu điểm của bản thân. Hãy nghiên cứu bài viết của những cây viết khác, học cách họ đặt tiêu đề, triển khai dàn ý và diễn đạt mượt mà. Quan trọng nhất, bạn hãy luyện viết mỗi ngày để chuốt gọt ngòi bút của mình nhiều hơn.
Còn nếu bạn sợ không có đủ kiến thức, hãy chăm chỉ đọc báo và tìm kiếm thông tin. Ở thời đại công nghệ số, bạn có thể thu nhận kiến thức từ khắp mọi nơi, về mọi lĩnh vực, chỉ cần có 2 điều kiện. Thứ nhất, một chiếc laptop. Thứ hai, khao khát kiến thức. Mình tin ai cũng có điều đầu tiên. Vậy bây giờ, bạn chỉ cần gom đủ quyết tâm để có được điều kiện thứ hai, để phá bỏ nỗi sợ đang bó buộc đôi chân của bạn. Thời điểm này có thể bạn chưa là chuyên gia trong lĩnh vực bạn theo đuổi nhưng ít nhất, bạn đang cố gắng mỗi ngày để đạt được điều đó.
Sợ bị đánh giá và không có ai đọc bài viết của mình
Mình từng sợ ánh mắt dò xét, đánh giá của mọi người nên không dám đăng tải công khai các bài viết lên mạng xã hội. Mình cũng từng lo lắng khi có những bài viết lèo tèo vài lượt like. Và mình đã từng “đứng ngồi không yên” khi bài viết của mình là nguồn cơn cho cuộc tranh cãi nảy lửa trong các hội nhóm. Sau những sự việc ấy, sự tự tin của mình dường như chạm đáy, tất cả câu chữ bỗng lẩn trốn trong những chiếc hang sâu và mình ngừng viết.
Nhưng sau khi tự vấn bản thân ngàn lần “vì sao mình viết?”, mình đã tìm ra lối thoát. Mình viết vì muốn chứng minh năng lực bản thân, rằng lựa chọn trở thành freelance writer là đúng đắn chứ không phải bồng bột, trẻ người non dạ. Mình viết vì mình muốn truyền tải kiến thức hữu ích tới mọi người. Dù ít like hay nhiều share, dù có những độc giả phiến diện quy chụp bài viết của mình, mục đích của mình vẫn không thay đổi. Mình vẫn sẽ viết và cho đi không điều kiện. Mình tin là bạn cũng vậy.
Trông cậy người dẫn đường giúp đỡ
Khi bắt đầu công việc viết lách tự do, điều đầu tiên mình làm là đăng ký khóa học mentoring 1:1. Mình hiểu được tầm quan trọng của người dẫn đường nhưng sai lầm của mình là quá phụ thuộc vào ngọn đèn hải đăng ấy. Mình chỉ chờ đợi đến lượt học mà không tự luyện tập mỗi ngày. Mình trông cậy mentor chỉ cho mình đường đi nước bước mà không chịu chủ động tiếp cận khách hàng. Mình đã đứng yên bất động và bỏ phí 2 tháng trời.
Khi nhận ra sai lầm nghiêm trọng đó, mình cuống cuồng cắt đứt sự phụ thuộc và tự lực cánh sinh. Thay vì chờ đợi người khác giới thiệu khách hàng, mình chủ động tìm kiếm và gửi email cho họ. Thay vì chờ đến lượt mentoring, mình tham gia những khóa học online, học hỏi từ chia sẻ của những cây viết có kinh nghiệm. Kết quả là 1 tháng sau, mình có được khách hàng và thu nhập đầu tiên.
Tìm kiếm người đồng hành và dẫn đường không có gì sai, thậm chí đó là con đường ngắn nhất giúp bạn chạm tới thành công. Dẫu vậy, bạn đừng phụ thuộc vào nó, đừng trông chờ khóa học sẽ giúp bạn lột xác.
Thay đổi nhiều hay ít, đi nhanh hay giậm chân tại chỗ, tất cả đều phụ thuộc vào bạn. Điều quan trọng nhất là phải hành động.
Giá trị của người viết không được công nhận
Để mình kể cho bạn một câu chuyện. Một người chị của mình rất thích viết. Chị muốn chia sẻ kiến thức sức khỏe cho mọi người và phát triển viết thành nghề tay trái. Vì thế, chị quyết định hợp tác với một công ty công nghệ trong lĩnh vực y tế. Họ yêu cầu chị viết bài chuẩn SEO với mức giá 40.000 VNĐ cho bài viết 1000 – 1500 từ. Sau 1 tháng làm việc, chị nhắn tin cho mình rằng “Không thể tin được chất xám của người viết lại bị coi rẻ như thế. Và cũng không thể tin được bài viết của chị bị cắt gọt máy móc, sáo rỗng đến vậy. Chị thất vọng lắm, chị không thể viết được nữa”.
Được công nhận là nhu cầu bản năng và thiết yếu của con người. Với người viết, sự công nhận là chất xám được tôn trọng và công sức được trả xứng đáng. Có điều không phải khách hàng nào cũng hiểu được điều này. Dẫu vậy, bạn hãy tin mình đi, chắc chắn ngoài kia vẫn có những khách hàng tử tế tôn trọng giá trị và chất xám của bạn. Vẫn luôn có những công ty sẵn sàng trả thù lao xứng đáng với những gì bạn bỏ ra. Cách duy nhất để bạn gặp được những khách hàng như vậy là tiếp tục viết, tiếp tục giữ vững niềm tin và giá trị của bản thân. Đừng bán linh hồn cho quỷ dữ, cũng đừng bán câu chữ cho những khách hàng không xứng đáng.
Vì sao chúng ta luôn phải tiếp tục viết?
Câu trả lời đơn giản lắm: vì chúng ta là người viết. Nếu ngừng viết, chúng ta không còn là writer nữa. Nếu ngừng viết, chúng ta không thể tiếp tục sinh tồn trong cuộc sống này. Giống như người họa sĩ không thể ngừng vẽ và bác sĩ phẫu thuật không thể ngừng mổ vậy. Dẫu phũ phàng và khốc liệt nhưng đó là sự thật.
Tuy nhiên, đừng chỉ nghĩ rằng bản thân phải viết để kiếm sống, bạn hãy viết vì những điều tốt đẹp khác nữa. Viết để thể hiện cái tôi của bản thân, viết để giao tiếp, kết nối với thế giới và viết để cho đi những điều hữu ích. Hãy viết cho chính mình, cho gia đình, bạn bè và những độc giả trung thành của bạn.
Đừng ngừng viết vì những nỗi sợ vô hình do bạn tự vẽ nên, đừng tự trói buộc bản thân rồi dừng lại. Sự nghiệp viết lách tự do không phải lúc nào cũng vui vẻ, thuận lợi và ngập tràn lấp lánh. Sẽ có những lúc hành trình ấy thử thách bạn, khiến bạn cảm thấy sợ hãi, mệt mỏi và nản lòng. Nhưng chẳng phải công việc nào cũng như vậy sao, có khó khăn mới có vinh quang? Chẳng phải bạn đã lựa chọn nó sao, đánh đổi để được viết, làm chủ và hạnh phúc hơn? Vậy thì hãy kiên cường tiến lên nhé, đừng dừng lại bạn ơi!
Đây là một bài viết tâm đắc của mình khi cộng tác với Viết lách kiếm tiền – website đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho người viết tự do. Tới nay, rất tiếc là dự án này đã tạm dừng. Vì vậy, mình đăng tải lại bài viết này với mong muốn những chia sẻ của mình có thể chạm tới nhiều người hơn.