Hành trang trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe

Junior Writer Nâng cao kỹ năng viết

6 bí quyết quyến rũ người đọc với bài viết về sức khỏe

“Trang ơi, làm sao để độc giả tin tưởng những thông tin mình đưa vào bài viết về sức khỏe? Có cách nào giúp bài viết nhiều thông tin khoa học nhưng không bị khô cứng và nhàm chán không Trang?” Nghe quen không? Nếu bạn từng sáng tạo nội dung trong lĩnh vực này, chắc hẳn bạn cũng đã băn khoăn như vậy.

Khách hàng và độc giả trong lĩnh vực sức khỏe càng ngày càng khó tính. Họ không chỉ đòi hỏi thông tin nhanh chóng mà còn chính xác, hữu ích. Họ không muốn những bài viết về sức khỏe dài dòng, khô khan, họ cần sự đồng cảm, thấu hiểu, họ mong mỏi kiến thức dễ hiểu, dễ áp dụng và ghi nhớ.

Đây chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội tuyệt vợi cho các cây viết về sức khỏe vượt lên làm người dẫn đầu. Và tin tốt là 6 bí quyết dưới đây có thể giúp bạn chinh phục được điều đó.

Thấu hiểu độc giả

Trước tiên, để thu hút độc giả, bạn cần xác định chính xác nhu cầu của người đọc. Độc giả mong muốn biết thêm thông tin gì? Độc giả đang vướng mắc, lo sợ vấn đề gì? Độc giả khao khát điều gì? Đó chính là những câu hỏi bạn cần đặt ra trong quá trình tìm kiếm ý tưởng và thông tin cho bài viết. Càng chạm vào được “pain-point” – điểm đau của độc giả, bài viết về sức khỏe của bạn càng có giá trị và sức hút.

Vậy bạn có thể tìm thấy nhu cầu của độc giả ở đâu? Cách tốt nhất là quan sát và lắng nghe nhiều hơn. Hãy tàu ngầm trong những hội nhóm có độc giả mục tiêu của bạn và xem họ đang bàn tán về điều gì. Hãy theo dòng thời sự để thu nhận các sự kiện nổi bật, hấp dẫn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lấy ý tưởng từ những câu hỏi, thắc mắc của độc giả, người thân hoặc bạn bè gửi tới bạn.

Ví dụ, đầu tháng 6, thông tin hoa hậu Thu Thủy tử vong do đột quỵ ở tuổi 45 kèm theo đó là cầu thủ 29 tuổi Christian Eriksen ngừng tim ngay trên sân bóng khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Khi đó, mình đã nhanh chóng viết 2 bài “Phân biệt đột quỵ – đột tử” và “5 hiểu lầm tai hại về đột quỵ” để đáp ứng nhu cầu của độc giả.

Đào sâu gốc rễ vấn đề để viết logic hơn

Tính logic cần thiết trong các bài viết về sức khỏe vì 2 lý do. Thứ nhất, bạn cần tư duy logic để hiểu rõ chủ đề bạn đang viết, sau đó giải thích cặn kẽ cho độc giả. Thử tưởng tượng nếu bạn không hiểu cục máu đông hình thành từ mảng xơ vữa trong lòng mạch như thế nào thì sao có thể giải thích rõ ràng được cho độc giả.

Thứ hai, phong cách diễn đạt logic có tác động mạnh mẽ tới độc giả. Sau khi hiểu chi tiết vấn đề, họ sẽ tin tưởng và quyết tâm thay đổi quan điểm, thói quen có hại sức khỏe. Ví dụ, nếu độc giả đã hiểu ung thư là bệnh lý tiến triển thầm lặng, tích lũy dần dần nhiều năm rồi bùng nổ ở tuổi trung niên thì họ sẽ có ý thức chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa ngay từ khi còn trẻ.

Để sáng tạo nội dung về sức khỏe logic, thuyết phục, bạn cần tìm hiểu thật kỹ thông tin, kiến thức liên quan đến chủ đề cần viết. Vấn đề sức khỏe này có nguyên nhân ở đâu, cơ chế bệnh sinh như thế nào, yếu tố nguy cơ và biểu hiện là gì, độc giả cần làm gì để phòng tránh… chính là những nội dung bạn cần đào sâu nghiên cứu trước khi viết.

Bí quyết quyến rũ độc giả với bài viết về sức khỏe
6 bí quyết giúp nâng tầm kỹ năng viết về sức khỏe của bạn

Ngôn từ gần gũi, lối diễn đạt dễ hiểu

Cây viết về sức khỏe là cầu nối giữa chuyên gia Y học và độc giả. Điều đó có nghĩa là bạn không được bê y nguyên kiến thức Y học chuyên sâu, khó nhằn vào bài viết. Biến những thông tin khô khan trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và ghi nhớ chính là nhiệm vụ của bạn. Nếu không thể làm được điều đó, bạn đừng mong trở thành một cây viết chuyên nghiệp về sức khỏe.

Cách mình luôn làm khi sáng tạo nội dung về sức khỏe là sử dụng những từ ngừ và lối diễn đạt gần gũi, thông dụng trong cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, thay vì viết “leukemia” khiến độc giả choáng váng, mình sẽ chuyển thuật ngữ này thành “ung thư ác tính tế bào bạch cầu trong máu”. Bạn đừng cố gắng phô diễn kiến thức chuyên môn vì mục đích của bài viết là giúp người đọc thông minh hơn. Nếu độc giả không hiểu bạn viết gì thì sao có thể thông thái hơn, đúng không?

Tăng tính thuyết phục bằng các con số

Sử dụng số liệu là phương pháp tuyệt vời để gây ấn tượng và thuyết phục độc giả. Cùng xem xét 2 cách diễn đạt dưới đây.

Trẻ em ngày càng lười vận động.

80% thanh thiếu niên trong độ tuổi 11 – 17 trên toàn thế giới không vận động đầy đủ hàng ngày. Các em dành 7,5 tiếng mỗi ngày cho các thiết bị điện tử, gấp 7 lần thời gian khuyến cáo dành cho hoạt động thể chất.

Bạn thấy sao? Rõ ràng con số 80%, 7,5 tiếng và 7 lần có sức tác động mạnh mẽ hơn so với lời nói suông, không có bằng chứng đúng không?

Để tìm kiếm số liệu cho bài viết, bạn hãy tham khảo website sức khỏe uy tín của Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ hoặc kiên nhẫn lục tung các nghiên cứu khoa học trên NCBI. Chắc chăn bạn sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn nhưng thành quả đảm bảo sẽ rất xứng đáng.

Lời khuyên sức khỏe cụ thể, chi tiết, dễ áp dụng

Tiêu đề, phần mở đầu và thân bài của bạn rất tốt nhưng nếu đến cuối cùng, lời khuyên sức khỏe quá chung chung hoặc xa vời thì bài viết cũng không được đánh giá cao.

Có lần mình đọc bài viết về phương pháp thôi miên giúp trẻ ăn ngon trên một trang báo mạng. Bài viết giải thích nguồn gốc của trào lưu này kèm theo trích dẫn nhiều nhận xét trái chiều của các bậc phụ huynh. Nhưng cuối cùng bài viết lại không đi đến kết luận rõ ràng, rằng phương pháp này sai hay đúng, có nên áp dụng hay không. Cái kết lửng lơ, mập mờ thật sự khiến mình hụt hẫng và cảm thấy phí hoài thời gian khi đã nhấn vào đọc thử.

Vì vậy, để tránh tình huống này xảy ra, bạn cần viết lời khuyên hoặc hướng dẫn cụ thể, chi tiết và dễ áp dụng. Chẳng hạn, đừng kết luận chung chung như hàng loạt bài báo mà độc giả đã thuộc lòng và nhàm chán:

Bạn nên ăn nhiều ăn rau xanh và hoa quả để phòng tránh ung thư.

Thay vào đó, bạn nên viết như sau:

Hội đồng Ung thư Úc khuyến cáo ăn 3 bát con rau củ quả luộc hoặc 1,5 bát con salad mỗi ngày sẽ ngăn ngừa 2.600 ca ung thư đại trực tràng hàng năm.

Để đưa ra được những lời khuyên hữu ích và có giá trị như thế, bạn cần đặt bản thân vào vị trí độc giả để thấu hiểu họ. Bạn không thể khăng khăng khuyên một bà mẹ đang điều trị kháng sinh tiếp tục cho con bú chỉ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Bạn cũng không thể ép buộc độc giả phải lấp ao hồ, bỏ bể cá trong và xung quanh nhà để phòng ngừa đuối nước ở trẻ em. Rõ ràng những biện pháp ấy phi thực tế và không thể áp dụng.

Vì vậy, bạn cần hiểu rõ độc giả của bạn ai, bạn cần đề cao tính ứng dụng trong mọi lời khuyên đồng thời cố gắng tìm kiếm những khuyến cáo chi tiết, cụ thể của các hiệp hội và tổ chức sức khỏe trên khắp thế giới.

Infographic tổng hợp thông tin

Thông tin bằng hình ảnh là phương pháp hiệu quả để thu hút độc giả và sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Mọi độc giả đều thích hình ảnh trực quan và màu sắc sặc sỡ hơn là bài viết về sức khỏe dài dòng với 1000 – 2000 chữ. Infographic giúp độc giả ghi nhớ nhanh hơn và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, thông tin qua hình ảnh cũng là công cụ hiệu quả khi bạn muốn trình bày sinh động nhiều số liệu để bài viết không nhàm chán và khiến người đọc ngộp thở.

Để thiết kế infographic, bạn có thể sử dụng Canva – một website thiết kế trực tuyến vô cùng tiện ích và được nhiều cây viết sử dụng. Canva đã có sẵn các mẫu thiết kế, bạn chỉ cần sắp xếp, chỉnh sửa sao cho phù hợp với nội dung và ý tưởng của bản thân là xong. Tham khảo một vài mẫu infographic mình thiết kế trên Canva dưới đây nhé!

Sáng tạo các bài viết về sức khỏe có khó không? Câu trả lời của mình là vừa dễ vừa khó. Dễ trong trường hợp bạn chỉ nhanh chóng xào nấu các bài viết có sẵn trên mạng. Còn khó là khi bạn đề cao sự tử tế, thực sự muốn trở thành một cây viết chuyên nghiệp với cộng đồng độc giả hùng hậu và khách hàng trung thành. Mơ ước này không xa vời đâu, hãy tin mình đi, chỉ cần bạn dám thay đổi và chăm chỉ áp dụng 6 bí quyết trên, bạn sẽ sớm chạm được đến thành công.

About the Author

Hạnh Trang

Hạnh Trang là cây viết tự do trong lĩnh vực sức khỏe, đồng thời là người sáng lập Cộng đồng cây viết về sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

3 Comments

  1. […] Ở bước này, bạn sẽ tìm kiếm những tài liệu chuyên sâu hơn để làm “giàu” cho bài viết của bạn. Đó có thể là những con số, nghiên cứu khoa học để chứng minh lập luận. Đó cũng có thể là lời nhận xét, bình luận của một chuyên gia nổi tiếng trong chủ đề bạn đang viết. Những thông tin chuyên sâu này là 1 trong 6 bí quyết quyến rũ độc giả. […]

  2. […] thành cây viết chuyên nghiệp cho cộng đồng. Do đó, mình chú trọng luyện tập phong cách viết gần gũi bằng cách sử dụng ít thuật ngữ chuyên ngành, đưa nhiều ví dụ giải thích, […]

  3. […] trọng nhất, bạn nên nâng cao kỹ năng viết để không bị đào thải khỏi thị trường đầy cạnh tranh và không ngừng đổi […]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *