Sau khi chia sẻ tìm việc trên Upwork là một bí quyết giúp mình tăng thu nhập từ nghề viết, mình đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn về việc không giỏi tiếng Anh liệu có làm việc trên nền tảng này được không. Câu trả lời của mình là có.
Như bạn biết, Upwork là nền tảng tuyển dụng freelancer của Mỹ. Nghĩa là bạn cần sử dụng tiếng Anh để tìm việc, ứng tuyển, trao đổi và làm việc với khách hàng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải thật giỏi tiếng Anh mới có thể thử sức với nền tảng này.
Mình là một ví dụ. Năng lực tiếng Anh của mình ở mức cơ bản. Mình có thể đọc hiểu, nghe hiểu nhưng giao tiếp hơi chậm và yếu kém ở kỹ năng viết bằng tiếng Anh. Mặc dù vậy, mình vẫn có thể tìm việc trên Upwork và kiếm được gần $4.500 chỉ trong 5 tháng.
Vậy bí quyết của mình để vượt qua rào cản ngôn ngữ và làm việc với khách hàng nước ngoài trên Upwork là gì? Mình sẽ bật mí với bạn ngay sau đây.
Mục lục bài viết
Xác định trình độ tiếng Anh của bản thân để tìm kiếm trên Upwork thành công
Thử tưởng tượng xem, nếu khách hàng yêu cầu ứng viên có khả năng nói tiếng Anh trôi chảy hoặc rành tiếng Anh chuyên ngành sức khỏe mà khả năng ngoại ngữ của bạn chỉ ở mức cơ bản hoặc bạn không quen làm việc với tiếng Anh chuyên ngành thì cơ hội trúng tuyển chắc chắn rất thấp. Vì vậy, hiểu được năng lực của bản thân là bước đầu tiên và quan trọng nhất để bạn tìm việc trên Upwork thành công.
Chẳng hạn, mình có thể đọc hiểu được tài liệu tiếng Anh thường thức và chuyên ngành sức khỏe, nghe nói ở mức cơ bản và kém nhất ở kỹ năng viết. Vì vậy, mình sẽ ưu tiên tìm kiếm những công việc:
- Dịch thuật từ Anh sang Việt hơn là dịch thuật từ Việt sang Anh và viết bằng tiếng Anh
- Biên dịch (dịch tài liệu) chứ không phải phiên dịch (dịch lời nói)
- Yêu cầu ứng viên thành thạo tiếng Anh chuyên ngành sức khỏe để giảm bớt tính cạnh tranh
Khi xác định được năng lực ngoại ngữ của bản thân, bạn cũng tiết kiếm được công sức và thời gian tìm đọc quá nhiều tin tuyển dụng.
Trong các tin tuyển dụng, khách hàng trên Upwork thường mô tả rất rõ yêu cầu về trình độ ngoại ngữ của ứng viên. Vì vậy, bạn hãy đọc kỹ yêu cầu của khách hàng trước khi ứng tuyển nhé!
Tận dụng sự hỗ trợ của các công cụ dịch thuật và AI
Google Translate, ChatGPT, Grammarly… là những công cụ hỗ trợ tuyệt vời nếu bạn chưa tự tin vào năng lực tiếng Anh của bản thân. Những công cụ này cũng giúp bạn đọc hiểu và viết ổn hơn trong trường hợp bạn bối rối không biết diễn đạt tiếng Anh như thế nào.
Mình thường kết hợp Google Translate và ChatGPT khi viết email trao đổi công việc với khách hàng. Sau đó, mình sẽ chau chuốt lại ngôn từ để email không quá máy móc. Cuối cùng, mình dùng Grammarly để kiểm tra lại một lần nữa lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp.
Với phiên bản trả phí, Grammarly còn gợi ý cách diễn đạt và dùng từ “tây” hơn. Nhưng với mình, bản dịch tiếng Anh của Google Translate và ChatGPT đã khá ổn rồi, chỉ cần bạn đưa ra câu lệnh phù hợp cho ChatGPT và chuẩn bị văn bản tiếng Việt rõ ràng cho Google Translate.
Tuy nhiên, đây chắc chắn chỉ là cách chữa cháy và áp dụng trong trường hợp giao tiếp không quá phức tạp. Nếu bạn muốn tìm việc trên Upwork và làm việc lâu dài với các khách hàng nước ngoài, bí quyết cốt lõi vẫn là trau dồi năng lực tiếng Anh của bản thân.
Chuẩn bị sẵn các mẫu câu giao tiếp lịch sự và thân mật
Để giao tiếp tự nhiên hơn cũng như tránh mất thời soạn tin nhắn, email phản hồi khách hàng, bạn có thể chuẩn bị sẵn một vài mẫu câu giao tiếp phổ biến, bao gồm cả phong cách lịch sự, trân trọng và suồng sã, thân mật.
Ví dụ:
- Lời chào: Hope you are well/ How are you doing these days?/ How do you do?
- Câu đệm: It’s great to hear/ That’s cool/ That’d be amazing/ Fantastic news
- Xác nhận bạn đã nắm được thông tin: I understand/ I got it/ I see/ That makes sense/ It’s clear now
- Xin lỗi khách hàng vì phản hồi muộn: Sorry for the delayed reply/ I’m sorry that this took a little longer than expected/ I apologize for taking so long to reply
- Mong chờ phản hồi từ khách hàng: I look lorward to hearing from you/ Please keep me informed/ I’d love to hear your feedback
- Chào tạm biệt: Have an amazing week/ Have a nice day/ Best regards
Và rất nhiều mẫu câu hữu ích khác mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google.
Nếu khách hàng yêu cầu phỏng vấn hoặc họp online thì sao?
Với buổi phỏng vấn, mình thường chuẩn bị sẵn một vài câu giới thiệu bản thân, trong đó nhấn mạnh điểm nổi bật và phù hợp của mình đối với công việc. Ngoài ra, mình cũng liệt kê sẵn các câu hỏi để trao đổi với khách hàng.
Với buổi họp online, mình thường gửi email hoặc nhắn tin hỏi khách hàng về nội dung cuộc họp để biết trước hai bên sẽ thảo luận những vấn đề gì và buổi họp bao gồm những ai.
Trước 2 – 3 ngày diễn ra cuộc họp hoặc phỏng vấn, mình sẽ xem phim hoặc nghe podcast tiếng Anh thật nhiều. Mình sẽ nghe vô thức, tức là trong lúc tắm, nấu cơm, dọn nhà thì bật phim và podcast lên nghe. Mục đích không phải là nghe hiểu, thu nhận thông tin mà là để não bộ làm quen và bắt sóng với tiếng Anh nhanh hơn. Nhờ đó, trong buổi họp hoặc phỏng vấn, mình có thể nghe nói tiếng Anh tự nhiên và tự tin hơn.
Khi tham gia buổi họp hoặc phỏng vấn, mình sẽ cố gắng duy trì phong thái tự tin nhất có thể. Câu thần chú của mình là: Giao tiếp cần tự tin hơn là nói hay, nói tốt.
Cuối cùng, sau khi kết thúc buổi họp, mình thường gửi email hoặc nhắn tin cho khách hàng để tổng hợp lại những nội dung đã thống nhất và hỏi xem khách hàng có muốn bổ sung thêm thông tin nào không. “Biên bản họp” này chính là cách để mình ghi nhận những thông tin mà mình không nghe rõ hoặc bỏ lỡ trong buổi họp, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp của mình và giúp hai bên làm việc với nhau ăn ý hơn.
Đó là tất cả kinh nghiệm của mình khi tìm việc trên Upwork và làm việc với khách hàng nước ngoài bằng tiếng Anh. Mình hi vọng bài viết này có thể tiếp thêm cho bạn động lực để vượt qua rào cản ngôn ngữ và tiếp cận được nhiều cơ hội rộng mở, tiềm năng hơn trong tương lai.