Ngày bé, mình tham gia lớp học múa trong chương trình ngoại khóa của trường. Trong một buổi học, thầy giáo yêu cầu chúng mình nhắm mắt để cảm nhận chuyển động của cơ thể. Mình đã nghĩ “Thật kỳ quái! Làm sao có thể vừa nhắm mắt vừa múa!”
Nhưng không, mình đã nhầm. Ngay sau khi nhắm mắt, mình thấy tâm trí mở rộng và sáng ngời hơn bao giờ hết. Mình cảm nhận rõ ràng từng chuyển động uyển chuyển của đầu, tay và chân. Không còn cảm giác lúng túng, thiếu tự tin, thay vào đó, mình tập trung thả lỏng tâm hồn và cơ thể theo điệu nhạc.
Câu chuyện có lẽ chỉ là một phần ký ức nếu đôi mắt của mình không biểu tình dữ dội vào đúng ngày phải chạy deadline. Mình đã làm việc liên tục 6 tiếng với máy tính. Hai hốc mắt cay xè, khô cộm, mặc cho mình dùng bao nhiêu thuốc nhỏ mắt. Còn đầu óc mình thì rối bời và tắc tị. Lúc ấy, mình chỉ mong một giấc ngủ sâu để thư giãn và tỉnh táo trở lại, nhưng gánh nặng deadline lại ập đến!
Một ý tưởng bỗng bật mầm: “Nếu mình vừa nhắm mắt vừa viết thì sao?”, vừa có thể hoàn thành bài viết, vừa có thời gian cho đôi mắt nghỉ ngơi. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng chẳng phải đôi khi người ta cần những điều điên rồ để tạo nên sự mới mẻ trong cuộc sống hay sao? Nghĩ là làm, mình thử nghiệm luôn.
Mình nhắm mắt, hít thở sâu, đặt tay lên bàn phím và bắt đầu gõ. Giống như có phép màu, những ý tưởng và câu chữ bắt đầu tuôn trào khỏi vùng tối trước mắt. Tâm trí mình tập trung hơn bao giờ hết, không còn bận tâm đến thời gian, không còn mải miết chú ý tới lỗi chính tả. Cứ thế, mình nhẹ nhàng hoàn thành bài viết nhanh chóng và chất lượng.
Vậy vừa nhắm mắt vừa viết có phải phương pháp hữu ích hay chỉ là sự trùng hợp và may mắn?
Hẳn bạn sẽ thấy hoang đường. Làm sao một người viết, một người dùng đôi mắt để quan sát, ghi chép và sáng tạo có thể vừa nhắm mắt vừa làm việc? Nhưng chắc bạn chưa biết, có rất nhiều cây viết trên thế giới có vấn đề về thị lực. Sue Townsend là một ví dụ.
Sue Townsend bị mù bởi biến chứng của căn bệnh tiểu đường nhưng những điều đó không thể ngăn cản bà tiếp tục sự nghiệp viết lách. Sue Townsend từng chia sẻ rằng “Đôi mắt mù lòa là điều thú vị nhất trong cuộc đời tôi và tôi sẽ biến nó trở thành lợi thế của mình”. Quả đúng như vậy, series sách Adrian Mole của bà đã bán được hơn 10 triệu cuốn trên toàn thế giới.
Sue Townsend và chúng ta không viết bằng đôi mắt. Chúng ta viết bằng trí tưởng tượng, tư duy của bộ não và những rung động từ trái tim. Vừa nhắm mắt vừa viết chính là phương pháp giúp các cây viết mở rộng trí tưởng tượng, mài sắc tư duy và cảm nhận những rung động từ trái tim chân thật nhất.
Vì sao khi thiền mọi người thường nhắm mắt? Bởi nhắm mắt giúp tăng khả năng tập trung. Đó là cách giúp bạn trút bỏ mọi muộn phiền, mọi suy nghĩ hỗn loạn trong đầu để chú ý duy nhất vào hơi thở. Vậy vì sao người ta thường trao nhau nụ hôn khi nhắm mắt? Là để tận hưởng hết thảy dư vị ngọt ngào của tình yêu. Vừa nhắm mắt vừa viết cũng dựa trên nguyên tắc đó. Phương pháp này sẽ đem đến cho bạn vô vàn lợi ích và thúc đẩy bạn tiến xa hơn trên con đường viết lách của mình.
Mục lục bài viết
Lợi ích bất ngờ khi vừa nhắm mắt vừa viết
Cải thiện khả năng tập trung
Khi nhắm mắt, mọi thứ xung quanh bạn rơi vào khoảng tối. Không còn màn hình máy tính, không còn thông báo từ email và facebook ting ting liên tục. Trước mắt bạn chỉ có duy nhất những ý tưởng đang tuôn trào từ trong bộ não. Thế giới này chỉ còn lại bạn và câu chữ. Ngón tay bạn sẽ phải chạy đua với thời gian để đuổi kịp các ý tưởng. Không điều gì có thể khiến bạn phân tâm. Bạn cứ thế, viết và viết.
Đẩy nhanh tốc độ viết
Nếu bạn không thành thạo gõ bàn phím bằng 10 ngón tay và lỗi chính tả tràn ngập cả trang giấy thì sao? Câu trả lời là bạn càng nên áp dụng phương pháp này. Khi mở mắt, tầm nhìn của bạn bao quát cả trang giấy, bạn sẽ bị phân tâm bởi lỗi sai chính tả, ngữ pháp và dùng từ. Bạn dễ rơi vào cái bẫy vừa viết vừa chỉnh sửa. Nhưng khi nhắm mắt, mọi lỗi sai trở nên vô hình, bạn sẽ chỉ tập trung vào viết. Đừng lo lắng, biên tập là công việc phía sau. Hãy cứ để câu chữ tuôn trào. Đó là lý do phương pháp này giúp bạn viết nhanh hơn.
Mở khóa suối nguồn ý tưởng
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã miêu tả cậu bé nhân vật chính “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” trong tác phẩm cùng tên. Khi đó, cậu cảm nhận được mùi hương đồng quê phả lên cánh mũi, làn gió lướt qua gò má, sương đêm chạm lên da mặt và tiếng dế kêu văng vẳng bên tai.
Người khiếm thị không thể nhìn thấy vạn vật nhưng họ cảm nhận thế giới bằng tất cả giác quan còn lại. Bạn cũng vậy. Nhắm mắt lại và bạn sẽ cảm nhận thế giới này hơn rõ ràng hơn. Những suy nghĩ lộn xộn được sắp xếp gọn gàng, trí tưởng tượng được nới rộng, những ý tưởng bật mầm và bạn biết mình phải viết gì. Bởi ý tưởng vốn xuất phát từ những thắc mắc của bộ não và rung động của trái tim. Bạn không tin ư? Nhắm mắt lại đi! Hãy đóng cửa sổ tâm hồn để mở ra cánh cổng bước vào thế giới con chữ.
Tranh thủ vừa nghỉ ngơi vừa làm việc
Khi deadline ập đến và đôi mắt quá mệt mỏi, mình chọn cách vừa nhắm mắt vừa viết. Đó là biện pháp giúp mình vẫn có thể làm việc trong khi đôi mắt được nghỉ ngơi một chút. Trung bình một phút, bạn chớp mắt 15 – 20 lần, nhưng khi làm việc với máy tính, số lần chớp mắt của bạn giảm đi. Vì thế bạn thường cảm thấy khô mỏi mắt sau vài tiếng làm việc liên tục.
Nhắm mắt giúp tuyến lệ hoạt động hiệu quả hơn, nước mắt sẽ bôi trơn và gột rửa mọi mệt mỏi. Khi cửa sổ tâm hồn sáng trong trở lại, không điều gì có thể cản bước bạn hoàn thành công việc.
Nào, hãy cùng mình vừa nhằm mắt vừa viết
Bạn đã sẵn sàng vừa nhắm mắt vừa viết chưa? Thực hiện phương pháp này không khó. Bạn chỉ cần nhắm mắt và viết. Nhưng để phương pháp này phát huy 100% công lực, bạn cần lưu ý vài điều.
Chuẩn bị không gian yên tĩnh và tư thế thoải mái
Lựa chọn không gian yên tĩnh sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn. Bạn có thể mở cửa sổ để cảm nhận thiên nhiên. Bật chút nhạc không lời (piano, jazz, âm thanh thiên nhiên…) với âm lượng nhỏ đủ để kích thích não bộ nhưng không khiến bạn phân tâm. Hoặc bạn có thể để các giác quan trần trụi tiếp xúc với thiên nhiên.
Bạn nên ngồi trên một chiếc ghế êm và đặt máy tính lên mặt bàn. Tư thế ngồi thoải mái giúp bạn gõ bàn phím thuận lợi hơn. Đừng nằm trên giường hay ghế sô-pha vì bạn có thể ngủ quên trong sự êm ái của chúng.
Đừng sợ gõ sai, cứ buông thả cho ngón tay của bạn di chuyển trên bàn phím
Bây giờ bạn hãy nhắm mắt lại, hít thở sâu vài hơi để thư giãn. Bạn bắt đầu nghĩ về những ý tưởng trong bài viết. Chọn lựa, sắp xếp rồi phác thảo chúng trên chiếc bảng đen rộng lớn trước mắt bạn. Sau đó, đặt tay lên bàn phím và bắt đầu gõ. Đừng lo lắng không thể đặt các ngón tay đúng vị trí. Bộ não của bạn rất siêu phàm. Một trong những khả năng tuyệt vời của nó là ghi nhớ và định vị chính xác không gian.
Hãy cứ viết hết những gì bạn nghĩ. Đừng mở mắt giữa chừng. Đừng bận tâm tới lỗi chính tả hay mạch văn có hợp lý hay không. Việc hiện giờ của bạn là viết, chỉ tập trung viết mà thôi.
Chỉnh sửa bài viết sau khi gõ xong
Sau khi đã hoàn thành bài viết, bạn hãy từ từ mở mắt ra. Lúc này, mắt bạn sẽ cảm thấy hơi chói vì đã chìm trong bóng tối một lúc. Không sao cả, bạn cứ chậm rãi để mắt làm quen với ánh sáng. Sau đó, bạn hãy đọc lại và biên tập bài viết. Quan trọng hơn, hãy cảm nhận hiệu quả mà phương pháp vừa viết vừa nhắm mắt đem lại.
Bạn có thể sử dụng phương pháp vừa viết vừa nhắm mắt bất kỳ lúc nào. Khi bạn bí ý tưởng, khi đôi mắt quá đau mỏi, khi bạn cần sự tập trung hoặc khi bạn muốn được bơm đầy cảm hứng… Bất cứ lúc nào, mỗi khi bạn cần sự trợ giúp từ chính tâm hồn và cơ thể mình, hãy vừa nhắm mắt vừa viết nhé!
Đây là một bài viết tâm đắc của mình khi cộng tác với Viết lách kiếm tiền – website đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho người viết tự do. Tới nay, rất tiếc là dự án này đã tạm dừng. Vì vậy, mình đăng tải lại bài viết này với mong muốn những chia sẻ của mình có thể chạm tới nhiều người hơn.