Hành trang trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe

Chuyện nghề viết Newbie Writer

Phải làm sao khi khách hàng quỵt tiền nhuận bút?

Bị khách hàng quỵt tiền nhuận bút chắc chắn là trải nghiệm kinh khủng với mọi cây viết tự do. Mình chưa từng rơi vào tình huống này nhưng mình đã trải qua cảm giác bồn chồn, bất an khi khách hàng chậm thanh toán hơn 2 tháng.

Lần đó, mình hợp tác cùng agency trong một dự án ngắn hạn. Sau khi dự án kết thúc 1 tháng, mình đã nhiều lần hỏi khéo và nhắc nhở agency thanh toán chi phí. Người phụ trách nội dung của agency trả lời rằng phòng kế toán đang xử, mình vui lòng chờ một chút. Nhưng vài tuần sau đó, mình vẫn không nhận được nhuận bút hay bất kỳ tin tức gì từ họ.

Một lần nữa mình nhắn tin trao đổi và thúc giục agency với lời lẽ thẳng thắn và cứng rắn hơn. Ấy vậy mà, bạn phụ trách không trả lời tin nhắn hay cuộc gọi của mình. Mình quyết định liên hệ với người phụ trách truyền thông của agency đó, bạn ấy đã cùng họp với mình trong buổi gặp mặt đầu tiên. Mãi tới lúc này, mình mới nhận được lời xin lỗi và nhuận bút được chuyển tới mình 2 ngày sau đó.

Có nên “bóc phốt” khách hàng quỵt tiền nhuận bút?

Khi thấy khách hàng có ý định quỵt tiền nhuận bút, cảm xúc tức giận bên trong mình gào thét và mình từng nghĩ về việc bóc phốt khách hàng trên các hội nhóm facebook. Mình muốn vạch trần sự thật để đòi được khoản thù lao đầy mồ hôi nước mắt hoặc ít nhất là cảm thấy bớt ấm ức hơn. Mình cũng muốn cảnh báo các cây viết tự do khác phải cẩn thận khi làm việc với khách hàng.

Nhưng sau khi bình tĩnh suy nghĩ, mình quyết định không hành động như vậy. Nếu khách hàng đã quyết tâm “tàng hình” sẽ chẳng có cách nào để khiến họ cảm thấy xấu hổ hay áy náy rồi gửi trả nhuận bút cho mình. Trong trường hợp cộng đồng mạng giúp mình dằn mặt hoặc report tài khoản facebook của khách hàng, họ hoàn toàn có thể lập tài khoản mới rồi tiếp tục lừa gạt những cây viết nhẹ dạ cả tin khác. Điều đó có nghĩa là khách hàng chẳng bị tổn hại gì nhiều khi mình “bóc phốt” họ trên mạng xã hội.

Thêm nữa, bài viết “bóc phốt” của mình có thể nhắc nhở một vài cây viết tự do nâng cao cảnh giác nhưng chẳng thể giúp họ tránh khỏi cái bẫy lừa đảo. Có hàng trăm, hàng ngàn khách hàng xấu xí, trá hình ngoài kia, mình có thể vạch mặt một người chứ không thể vạch mặt tất cả. Nếu thế, thay vì đăng tải nội dung “bóc phốt”, viết một bài hướng dẫn cách phòng tránh khách hàng lừa đảo chẳng phải sẽ hữu ích hơn sao?

Bóc phốt khách hàng quỵt tiền nhuận bút
Bài bóc phốt khách hàng của bạn liệu có đem lại lợi ích gì cho bản thân và các cây viết khác, hay chỉ là cách để bạn giải tỏa cảm xúc tiêu cực bên trong mình?

Ai cũng có thể tự phong cho mình danh hiệu cây viết chuyên nghiệp nhưng phong thái chuyên nghiệp của một cây viết thực sự đến từ đâu? Với mình, một cây viết chuyên nghiệp phải có sự tử tế khi sáng tạo nội dung, phong cách làm việc nghiêm túc và cách hành xử lịch sự. Mình tin “bóc phốt” khách hàng quỵt tiền nhuận bút trên mạng không phải cách hành xử chuyên nghiệp. Những câu chuyện riêng tư, những cảm xúc cá nhân chỉ nên gấp gọn trong cuốn sổ nhật ký của bản thân mà thôi.

Bình tĩnh, kiên nhẫn và hành xử chuyên nghiệp

Vì những lý do đó, mình đã cố gắng loại bỏ cảm xúc tiêu cực và trao đổi thẳng thắn, lịch sự với khách hàng. Ban đầu, mình dùng ngôn từ nhẹ nhàng để hỏi khéo và nhắc nhở. Sau đó, mình nâng dần cấp độ thẳng thắn và đanh thép của câu chữ nhưng vẫn cố gắng giữ phong thái lịch sự. Đây là cách mà mình đã thực hiện.

Dự án đã kết thúc thành công chưa bạn?

Bài viết có cần chỉnh sửa gì thêm nữa không anh?

Sếp của chị đã duyệt bài chưa ạ?

Đây là lời nhắc nhở nhẹ nhàng, khéo léo nhưng vẫn thể hiện được sự quan tâm của bạn với đối tác.

Phòng kế toán bên anh đã xử lý thanh toán chi phí dự án xong chưa?

Cho mình hỏi thủ tục thanh toán đã hoàn tất chưa bạn nhỉ?

Lời nhắc nhở này đã thẳng thắn và rõ ràng hơn.

Không biết khâu thanh toán bên bạn có trục trặc gì không. Dự án đã hoàn thành 2 tháng rồi mà mình vẫn chưa nhận được nhuận bút. Trong quá trình làm việc, mình đã hoàn thành đúng deadline để bên bạn kịp tiến độ công việc. Vì vậy, mình hi vọng nhận được nhuận bút đúng thời hạn. Nếu có trục trặc hay vấn đề gì ở khâu thanh toán, mong bạn chủ động báo với mình để mình nắm được thông tin.

Thúc giục đanh thép nhưng không quá thô lỗ.

Ngoài ra, mình cũng kiên nhẫn chờ đợi chứ không thúc giục khách hàng quá thường xuyên. Bởi lẽ sản phẩm có thể cần duyệt nhiều vòng trước khi chính thức hoàn thiện hoặc khâu thanh toán các khoản chi cho dự án cần nhiều thời gian để xử lý. Vì vậy, đừng khiến khách hàng cảm thấy bạn đang nỉ non, kì kèo chuyện tiền nong nhé!

Mình học được gì sau trải nghiệm “đòi nợ” khách hàng?

Với mình, đòi được nhuận bút không có nghĩa là câu chuyện này đã kết thúc. Mình cố gắng rút kinh nghiệm để tình huống trên không tái diễn thêm lần nào nữa.

Lưu giữ thông tin liên hệ của khách hàng

Với người làm việc tự do, phương thức liên lạc phổ biến với khách hàng là email và Zalo. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi và lưu lại số điện thoại, địa chỉ (nếu có) của khách hàng để tiện trao đổi trực tiếp, thẳng thắn. Một cuộc hội thoại face-to-face chắc chắn có sức mạnh hơn tin nhắn hay email đúng không? Hơn nữa, khách hàng cũng không thể biện minh rằng họ không nhận được tin nhắn, email hoặc không có kết nối mạng để nghe cuộc gọi Zalo.

Chủ động chuẩn bị hợp đồng làm việc

Hợp đồng làm việc có mục điều khoản thanh toán, trong đó ghi rõ chi phí và thời hạn khách hàng cần thanh toán nhuận bút cho bạn. Mặc dù điều này không bảo đảm 100% rằng khách hàng không chậm trễ hay quỵt tiền nhuận bút của bạn, nhưng ít nhất nó sẽ nhắc nhở họ cần nghiêm túc về vấn đề thanh toán trước khi bắt đầu hợp tác.

Bạn cảm thấy hợp đồng làm việc thật nghiêm trọng và to tát ư, mình hoàn toàn hiểu ý bạn. Mình cũng từng nghĩ như vậy và mình đã chia sẻ điều này với một anh luật sư. Anh ấy cười xòa và nói rằng: “Có gì đâu em, bản chất hợp đồng làm việc chỉ là một văn bản ghi lại sự đồng thuận và cam kết của hai bên. Đó là một cách để bảo vệ em đồng thời giúp em có trách nhiệm với công việc hơn. Em cứ nghĩ đơn giản vậy thôi”.

Chủ động chuẩn bị hợp đồng để hạn chế khách hàng quỵt tiền nhuận bút
Khi ký tên vào hợp đồng, khách hàng hiểu rằng họ có trách nhiệm thanh toán đủ và đúng thời hạn cho bạn

Thanh toán trước một phần nhuận bút trước khi bàn giao sản phẩm

Một phương pháp khác mà bạn có thể áp dụng là yêu cầu khách hàng thanh toán một phần nhuận bút trước khi bàn giao sản phẩm. Có thể là 20 – 50% chi phí, tùy theo mức độ uy tín của khách hàng và khối lượng, thời hạn công việc bạn phải thực hiện. Một số cây viết thậm chí còn yêu cầu thanh toán toàn bộ nhuận bút trước khi bắt đầu viết bài. Cách thức làm việc này sẽ đảm bảo thu nhập cho bạn trong vài tuần hoặc vài tháng tới, đồng thời giúp bạn yên tâm làm việc, không lo bị khách hàng “lật kèo”.

Tuy nhiên, liệu có khách hàng nào đồng ý với cách làm việc này không? Có chứ. Một khách hàng sau khi hợp tác với mình vài tháng đã chủ động thanh toán trước cho mình chi phí của dự án tiếp theo với trị giá 10.000.000 VNĐ. Chị ấy nhắn với mình rằng “Chị trả trước nhuận bút cho em để em có tiền tiêu Tết”. Vì vậy, đừng cố gắng chiều lòng hay níu kéo khách hàng, đừng sợ họ từ chối mà nhún nhường. Với công việc tự do, bạn có quyền quyết định cách làm việc của bản thân và từ chối những khách hàng không phù hợp.

Quan trọng hơn, bạn cần nâng cao năng lực làm việc và phát triển thương hiệu cá nhân. Tầm ảnh hưởng của bạn càng rộng, càng nhiều khách hàng chủ động tìm đến bạn và mời bạn hợp tác. Lúc này, yêu cầu khách hàng tuân theo quy tắc làm việc của bạn sẽ dễ dàng hơn đúng không?

Khách hàng có đồng ý với cách thức làm việc của bạn hay không là do bạn quyết định, không phải lỗi của khách hàng.

Trong trường hợp bạn là cây viết chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy chứng minh năng lực làm việc của bạn với khách hàng. Bạn có thể gửi cho họ những bài viết bạn đã hoàn thành để thuyết phục họ rằng bạn có thể hoàn thành tốt dự án này.

Lưu ý rằng, bạn nên đề cập tới yêu cầu thanh toán một phần hoặc toàn bộ nhuận bút trong lúc trao đổi công việc với khách hàng. Đừng đợi đến lúc viết xong và trước khi bàn giao sản phẩm mới đề xuất. Tình huống này sẽ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và khó lòng gật đầu đồng ý.

Tự kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ của bản thân

Cách tối ưu nhất để tránh tình huống đau đầu này chính là trở thành ông chủ. Thay vì viết chữ kiếm tiền, bạn hãy bán những sản phẩm, dịch vụ do mình tạo ra. Thay vì làm ứng viên và gửi CV đi muôn nơi, bạn hãy trở thành chủ doanh nghiệp của chính mình. Khi đó, bạn sẽ là người toàn quyền quyết định công việc và mức lương cho bản thân. Đây chính là bài học đầu tiên mà mình luôn chia sẻ với học viên trong khóa học Bắt đầu sự nghiệp viết lách tự do về sức khỏe.

About the Author

Hạnh Trang

Hạnh Trang là cây viết tự do trong lĩnh vực sức khỏe, đồng thời là người sáng lập Cộng đồng cây viết về sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *