Nếu bạn lựa chọn trở thành cây viết sức khỏe cho cộng đồng, với hầu hết thời gian sử dụng ngôn ngữ thường thức, dễ hiểu thì hiếm khi tranh chấp giọng văn xảy ra. Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ bùng nổ khi bạn phải đảm nhiệm cả hai công việc: viết thường thức cho cộng đồng và viết chuyên môn cho giới khoa học.
Điều này thường gặp ở các bạn sinh viên Y Dược muốn kiếm thêm thu nhập từ công việc viết cho cộng đồng hoặc những người làm việc trong lĩnh vực Y Dược cần sử dụng con chữ để xây dựng thương hiệu cá nhân. Lúc này, bạn vừa phải đảm nhiệm công việc viết báo, viết luận văn, giáo trình với tính khoa học cao, đồng thời cần chuyển biến giọng văn thành đơn giản, dễ hiểu khi viết cho cộng đồng.
Trước đây, mình tập trung rèn dũa giọng văn thường thức vì xác định hướng đi lâu dài là trở thành cây viết chuyên nghiệp cho cộng đồng. Do đó, mình chú trọng luyện tập phong cách viết gần gũi bằng cách sử dụng ít thuật ngữ chuyên ngành, đưa nhiều ví dụ giải thích, ứng dụng thủ thuật so sánh, nhằm giúp độc giả – những người không có nhiều kiến thức Y học có thể dễ dàng hiểu, ghi nhớ và vận dụng..
Mặc dù vậy, khi quay lại chương trình học Thạc sĩ, mình buộc phải sử dụng giọng văn khoa học để hoàn thành chuyên đề, bài báo khoa học và luận văn. Song song với đó, mình vẫn làm việc với khách hàng và duy trì các bài viết trên website cá nhân. Lúc này, mình mới ra nhận thách thức khi liên tục phải chuyển đổi giữa giọng văn thường thức và khoa học.
Vậy mình đã xử lý tình huống này như thế nào? Có cách nào để cân bằng giữa hai giọng văn thường thức và khoa học không? Dưới đây là một vài bài học mình đã chiêm nghiệm được. Hi vọng có thể giúp ích được cho bạn nếu bạn cũng đang rối bời giống mình.
Mục lục bài viết
Đâu là giọng văn chính của bạn?
Có một sự thật phũ phàng mà mình buộc phải thừa nhận, đó là mình không thể viết tốt với cả hai giọng văn. Trước đây, mình cảm thấy bản thân viết chuyên đề khoa học khá tốt, không chỉ về tư duy logic mà còn về ngôn từ và cách diễn đạt. Vì thế, khi quay lại trường học, mình càng tự tin hơn về khả năng viết của bản thân. “1 năm qua mình đã viết hàng ngày cơ mà! Có gì phải lo lắng chứ”.
Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn trái ngược. Mình đã ngỡ ngàng tột độ khi nhận bài nhận xét của cô giáo hướng dẫn với chi chít những lỗi tô đỏ về cách dùng từ. Lúc này, mình mới bàng hoàng nhận ra: mình đã quen với văn phong thường thức và lãng quên phong cách viết khoa học.
Cũng từ lúc đó, mình hiểu rằng bản thân không thể đồng thời viết tốt cả hai giọng văn. Thay vào đó, để giảm bớt áp lực và sự tự ti cho bản thân, mình quyết định rằng sẽ chỉ chọn một và buông bỏ thứ còn lại.
“Dự định tương lai của bạn là gì? Đâu là giọng văn bạn cần sử dụng nhiều hơn và sẽ mang lại giá trị lớn hơn?”. Mình đã tự hỏi bản thân như vậy và rất nhanh chóng, mình hiểu rằng: viết thường thức là con đường mình sẽ gắn bó lâu dài, viết khoa học là điều mình cần làm trong ngắn hạn. Câu trả lời đã rõ. Mình quyết định bảo tồn phong cách viết thường thức và chấp nhận duy trì giọng văn khoa học ở mức kém hơn trước đây.
Cách này sẽ giúp bạn buông bỏ bớt áp lực lên bản thân đồng thời chế ngự cảm giác “mình chẳng làm nên hồn bất cứ việc gì”. Trong tình yêu, có thể “two is better than one” nhưng với giọng văn, mình tin rằng chuyên môn hóa sẽ nâng cấp chất lượng bài viết cũng như thu nhập của bạn.
Tách rời thời gian viết thường thức và khoa học
Sau khi phân cấp giọng văn chính phụ, điều tiếp theo bạn nên làm là phân bổ thời gian viết. Khi quay lại chương trình Thạc sĩ, mình phải đến bệnh viện các ngày trong tuần và một vài ngày cuối tuần. Do đó, mình thường sắp xếp thời gian hoàn thành chuyên đề, bài báo và luận văn vào các buổi chiều và buổi tối trong tuần. Nhờ đó, mình có thể dành trọn cuối tuần cho việc xây dựng website cá nhân và hoàn thành công việc với khách hàng.
Việc tách rời thời gian sử dụng hai giọng văn khác nhau đã giúp mình kiểm soát giọng văn của bản thân tốt hơn. Liên tục thay đổi giọng điệu sẽ nhanh chóng khiến bạn kiệt sức, lẫn lộn và không thể rạch ròi.
Tuy nhiên, chắc chắn không thể tránh khỏi những tình huống bất ngờ ập đến. Chẳng hạn, bạn hoàn toàn công việc với khách hàng vào cuối tuần nhưng đầu tuần khách hàng cần chỉnh sửa lại bài viết ngay. Hoặc công việc viết chuyên môn quá nhiều khiến bạn phải hi sinh cuối tuần cho giọng văn khoa học.
Lời khuyên của mình là hãy sắp xếp thời gian để vận dụng hai giọng văn khác nhau và cố gắng tuân thủ thời gian biểu đó. Nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần và kế hoạch cho những bất ngờ có thể xảy ra để nhanh chóng thay đổi sao cho phù hợp.
Trợ lý ơi, hãy giúp tôi!
Một cách dài hạn và hiệu quả mà bạn có thể lựa chọn là nhờ sự giúp đỡ của người có chuyên môn. Chẳng hạn, nếu bạn muốn làm công việc full-time trong lĩnh vực Y Dược nhưng gặp khó khăn khi sáng tạo nội dung thường thức cho cộng đồng nhằm xây dựng thương hiệu cá nhân, hãy thuê một cây viết chuyên nghiệp.
Họ là những người có kỹ năng viết tốt, biết thiết kế hình ảnh và hiểu cách vận hành của mạng xã hội. Lúc này, nhiệm vụ của bạn sẽ được giảm bớt, bạn chỉ cần đề xuất ý tưởng và kiểm duyệt tính chính xác của thông tin mà thôi. Vì thế, đừng tham lam hay mù quáng nhận hết việc vào mình nhé!
Duy trì sự cân bằng trong cuộc sống là mong ước của nhiều người. Nhưng cân bằng không có nghĩa là cào bằng, rằng bạn cứ chia đều thời gian, sức lực của mình cho mỗi bên là được. Phía sau sự cân bằng ấy chính là những đắn đo về công việc, cuộc sống, đam mê mà bạn buộc phải lựa chọn cũng như buông bỏ.