Hành trang trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe

Newbie Writer Nâng cao kỹ năng viết

Kinh nghiệm viết bài của mình sau 2 năm cộng tác với báo điện tử

Thú thật, bài viết này ngẫu hứng chứ không nằm trong kế hoạch nội dung website tháng 9 của mình. Ý tưởng này xuất hiện khi mình kết nối một người chị với biên tập viên của báo Sức khỏe Đời sống. Chị rất hào hứng để bắt đầu nhưng cũng vô cùng lo lắng khi lần đầu tiên thử sức với dạng nội dung hoàn toàn mới. Chị đã nhắn tin cho mình rằng “Trang ơi, em chia sẻ cho chị một vài kinh nghiệm cộng tác với báo điện tử được không?”.

Thế là mình ngồi xuống, lật giở email trao đổi công việc với các biên tập viên trước đây và đọc lại nội dung mình từng viết để đúc kết một vài kinh nghiệm quý giá.

Bắt kịp xu hướng thông tin

Nếu như doanh nghiệp đề cao nội dung có kỹ thuật SEO tốt thì thông tin nóng hổi lại là tiêu chí hàng đầu của báo online. Những tin tức bắt kịp xu hướng sẽ thu hút nhiều độc giả, tăng số lượt truy cập cho tờ báo. Mặt khác, khi nhanh nhạy nắm bắt thông tin, bạn cũng có thể chiếm được ý tưởng tốt hơn so với các cây viết khác. Vì vậy, nếu bạn muốn bài viết được ban biên tập đánh giá cao, đừng lạc hậu trong thế giới thông tin chuyển biến từng giờ này nhé!

Cách đơn giản nhất để bạn thoát khỏi tình trạng chậm bắt sóng là theo dõi và cập nhật hàng ngày trang tin của các tổ chức sức khỏe uy tín, các tờ báo sức khỏe nổi tiếng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn.

Trang tin của các tổ chức sức khỏe uy tín

Một số tờ báo sức khỏe nổi tiếng và nhay nhạy

Kinh nghiệm cộng tác với báo điện tử

Không sử dụng ý tưởng trùng lặp

Để đảm bảo tính mới cho bài báo, bạn nên kiểm tra ý tưởng của mình có bị trùng với nội dung đã đăng tải trước đó trên tạp chí hay không. Sau đó, đừng quên lướt qua các trang báo khác xem họ đã triển khai ý tưởng này chưa.

Không phải lúc nào bạn cũng là người “săn” được tin tức nhanh nhất và không phải lúc nào bạn cũng cần bồn chồn đón chờ thông tin nóng hổi để viết bài. Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể khai thác những nội dung cũ trên khía cạnh khác, cập nhật thêm thông tin mới hoặc chuyển biến cách thức triển khai nội dung.

Chẳng hạn, mình từng viết bài về Phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho tạp chí Afamily. Trước tiên, mình tìm kiếm trên Google từ khóa “COVID-19 Afamily” và lướt nhanh tên các bài viết để điểm danh những chủ đề đã được tạp chí triển khai. Tiếp đó, mình đối chiếu danh sách này với những tài liệu liên quan đến COVID-19 mà mình tìm được để xem chủ đề nào chưa được Afamily thực hiện. Đó chính là lúc mình tìm ra ý tưởng cho bài viết.

Không dừng lại ở đó, mình tiếp tục truy cập Google và sử dụng từ khóa “COVID-19 giao thông công cộng” để kiểm tra xem đã có website nào triển khai nội dung này chưa. Khi đó, có duy nhất một bài viết của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Việt Nam đã đăng tải hơn 1 năm trước. Như vậy, nội dung này vẫn là mảnh đất mới ở Việt Nam.

Lúc này, mình bắt đầu đọc và đánh giá bài viết đó để tìm ra hướng triển khai mới hơn, hấp dẫn hơn. Cụ thể, mình giải thích rõ ràng mối nguy hiểm khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong mùa dịch, đưa ra những giải pháp phòng tránh rõ ràng, cụ thể, đồng thời sử dụng infographic và nhiều hình ảnh minh họa trực quan.

Hạn chế thông tin nhạy cảm, dễ gây tranh cãi hoặc chưa rõ ràng

Mình thường bỏ qua tin tức chưa được giới chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe kiểm chứng, cho dù đó là tin tức nóng nhất, mới nhất. Bởi lẽ những thông tin này có thể khiến độc giả hoang mang, lo sợ, mất lòng tin với tạp chí, thậm chí nguy hiểm hơn dẫn tới những hành động gây tổn hại sức khỏe.

Bạn nên thận trọng và nghiên cứu tỉ mỉ thông qua một số câu hỏi như sau:

  • Những thông tin này xuất phát từ đâu?
  • Có phải đơn vị uy tín xuất bản hoặc phát ngôn không?
  • Đã có tờ báo nào tại Việt Nam và trên thế giới đưa tin tương tự chưa?

Nếu vẫn còn băn khoăn, bạn hãy trao đổi thêm với biên tập viên của tạp chí nhé!

hướng dẫn viết bài cho báo online

Bên cạnh đó, tính nhạy cảm của thông tin có thể xuất phát từ bản thân bạn. Khi biết mình là một cây viết xuất thân từ môi trường Y Dược, một tòa soạn đã đề nghị mình viết bài về cuộc sống của bác sĩ. Cụ thể, tạp chí đó muốn mình khai thác những câu chuyện mà độc giả luôn tò mò: khó khăn của bác sĩ, lương tháng, sự đánh đổi thời gian, sức lực của họ khi làm công việc này cùng những điểm tối phía sau như tệ nạn phong bì, kỹ năng giao tiếp yếu kém…

Tuy nhiên, mình đã từ chối. Mình cảm thấy không thoải mái khi đứng từ góc độ người viết rồi phơi bày màu áo blouse trắng. Mình biết nội dung này có thể thu hút độc giả nhưng cũng hiểu rằng nó là con dao hai lưỡi, có thể khiến nhiều người tổn thương hoặc những điều mình muốn chia sẻ có thể bị biến tấu sai lệch.

Có thể bạn sẽ hỏi mình rằng “Từ chối như vậy có sao không?”, “Liệu tòa soạn có đánh giá thấp hay ngừng hợp tác với mình không?”. Vậy mình sẽ hỏi lại bạn “Vì sao bạn lựa chọn viết tự do chứ không phải viết lách toàn thời gian?”.

Với mình, công việc này cho phép mình tự do, tự chủ quyết định chứ không phụ thuộc hay ràng buộc vào bất kì ai. Bạn hoàn toàn được phép từ chối hợp tác với khách hàng không tử tế.

Hãy nhớ rằng, mối quan hệ giữa cộng tác viên với tạp chí ngang hàng nhau chứ không phải trên dưới như nhân viên với sếp lớn.

Mình sẽ đồng hành và giúp bạn thực hiện ước muốn trở thành Cộng tác viên Báo chí ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm viết lách

Tận dụng mối quan hệ và trải nghiệm thực tế để săn tin độc quyền

Phỏng vấn nhân vật và chia sẻ trải nghiệm thực tế là hai dạng bài được nhiều tòa soạn yêu thích và đánh giá cao. Những bài viết này thường cung cấp thông tin chất lượng và nội dung độc quyền cho tạp chí, nhờ đó thu hút được nhiều độc giả hơn.

Chẳng hạn, trong bài viết về hậu quả khi phẫu thuật thẩm mỹ ở các địa chỉ không uy tín, bạn có thể dẫn lời của chuyên gia trong lĩnh vực này làm bằng chứng. Những con số, câu chuyện thực tế mà chuyên gia đưa ra cùng lời khuyên xác đáng của họ chắc chắn có sức nặng và khả năng chạm mạnh mẽ tới độc giả.

Bạn có thể triển khai dạng bài phỏng vấn theo nhiều cách khác nhau. Toàn bộ bài viết là nội dung cuộc phỏng vấn với nhiều câu hỏi và câu trả lời hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ cần đưa vào bài viết một vài chia sẻ ngắn gọn của chuyên gia.

Để thực hiện dạng bài phỏng vấn, bạn cần vận dụng mối quan hệ của bản thân và thành thạo kỹ năng giao tiếp khéo léo để tiếp cận được các chuyên gia sức khỏe. Một phóng viên của báo Sức khỏe Đời sống đã nhờ mình kết nối với các bác sĩ để thực hiện phỏng vấn và mình sẵn sàng hỗ trợ. Vì thế, hãy tự tin mở lời khi bạn cần sự giúp đỡ nhé!

cộng tác viên báo chí

Còn đây là một ví dụ cho dạng bài trải nghiệm thực tế. Điểm mạnh của dạng bài này là độc quyền, chân thật và thú vị. Tuy nhiên, bạn cần những câu chuyện, tình huống cụ thể, chi tiết kèm theo ảnh minh họa thực tế để thuyết phục được độc giả. Do đó, đừng chỉ lướt qua, hãy sử dụng con mắt và đôi tai của bạn để quan sát, lắng nghe. Nhiều câu chuyện thú vị và cảm động đang chờ đợi bạn khai thác đấy.

Lắng nghe ý kiến của biên tập viên

Biên tập viên là những người có kinh nghiệm. Họ nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của độc giả, đồng thời biết được định hướng phát triển của tờ báo. Vì thế, họ có thể hướng dẫn và đưa cho bạn nhiều lời khuyên, gợi ý hữu ích.

Khi làm việc cùng tạp chí HER, chị Thu Trang – trưởng ban biên tập – luôn gợi ý cho mình những chủ đề mới và hấp dẫn. “Sắp sang mùa hè rồi, chị nghĩ chủ đề chăm sóc sức khỏe liên quan đến nắng nóng sẽ hấp dẫn đấy”. “Chị thấy đợt này nhiều độc giả quan tâm tới đột quỵ, vô sinh và kinh nghiệm dân gian truyền miệng lắm. Em thử nghiên cứu xem sao”.

Tuy nhiên, thay vì chờ đợi biên tập viên gợi ý, bạn hoàn toàn có thể chủ động tham khảo ý kiến của họ. Sự cởi mở và cầu tiến của bạn không chỉ gây được ấn tượng tốt mà còn thể hiện rằng bạn muốn hợp tác và gắn bó lâu dài với tạp chí. Đây chắc chắn là điểm cộng lớn và sẽ tạo nên sự khác biệt giữa bạn với những cộng tác viên khác.

Cộng tác với các tạp chí điện tử giúp bạn có thêm thu nhập, rèn luyện kỹ năng viết và làm dày hồ sơ năng lực cá nhân. Nhưng đừng là một cây viết qua đường, cộng tác chỉ để tìm kiếm nguồn lợi cho bản thân. Hãy coi trọng và quan tâm tới công việc này. Hãy dành năng lượng, sự nghiêm túc và tình cảm của bạn cho nó. Biên tập viên và độc giả chắc chắn sẽ cảm nhận được điều đó. Đây chính là kinh nghiệm cuối cùng và thật lòng nhất mà mình muốn chia sẻ. Chúc bạn thành công!

About the Author

Hạnh Trang

Hạnh Trang là cây viết tự do trong lĩnh vực sức khỏe, đồng thời là người sáng lập Cộng đồng cây viết về sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

3 Comments

  1. […] thêm những kinh nghiệm viết báo của mình để tiếp cận tòa soạn thành công và viết bài được trả nhuận bút […]

  2. Dạ chị cho em hỏi các tòa soạn báo có chấp nhận những bài biên dịch bài tin tức nước ngoài từ tiếng anh sang tiếng việt và mức nhuận bút những bài viết đó như thế nào được không ạ, em cảm ơn chị

    1. Có nha Iris ơi. Các tòa soạn vẫn chấp nhận bài em tự viết mới và cả các bài dịch từ báo tiếng Anh. Tuy nhiên, bài dịch thường có nhuận bút thấp hơn so với bài viết mới. Chẳng hạn, 3 năm trước, khi chị làm việc với tạp chí Her.vn, mức nhuận bút cho bài dịch và tổng hợp thông tin từ nhiều bài dịch là 150.000 – 300.000 VNĐ/ bài, tùy theo dạng bài và chất lượng bài viết. Trong khi đó, bài em tự viết mới được trả nhuận bút là 200.000 – 500.000 VNĐ/ bài, tùy theo chất lượng. Nhưng mỗi tòa soạn sẽ có mức nhuận bút và các tiêu chí chấm nhuận bút khác nhau. Nên để có được câu trả lời chính xác nhất thì em nên liên hệ và trao đổi với tòa soạn mà em muốn cộng tác nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *