Hành trang trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe

Chuyện nghề viết Junior Writer Newbie Writer Senior Writer

Sẽ thế nào nếu bạn ngừng viết?

Khi đọc tiêu đề này, hẳn bạn sẽ cảm thấy thật nực cười. “Còn thế nào nữa, người viết ngừng viết tức là tự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp kiếm sống bằng con chữ của mình”. Kết cục đó có lẽ ai cũng dễ dàng nhìn ra và chẳng người viết nào mong muốn, trừ phi bạn dự định đổi nghề, tạm biệt công việc bán chữ kiếm tiền.

Nhưng mỗi người trong chúng ta, chẳng phải ai cũng từng ngừng viết hay sao? Ngừng viết một chút khi có khách đến chơi nhà. Ngừng viết vài ngày khi tham gia chuyến du lịch cùng gia đình. Hay ngừng viết vài tuần vì bận chạy deadline công việc tay phải.

Sẽ thế nào nếu chúng ta – những người viết – ngừng viết tạm thời? Liệu mọi thứ có thật sự vẫn ở nguyên vị trí cũ: ý tưởng, đam mê, văn phong, mối quan hệ…? Hay tất cả đều đang bị những khoảng ngừng bào mòn mà chúng ta chẳng hay biết?

Bài viết này là trải nghiệm của mình, khi đánh đổi phần lớn thời gian của năm 2022 cho việc hoàn thành chương trình thạc sĩ. Mình đã viết ít hơn, viết chậm lại rồi dần dần ngừng viết hoàn toàn trong một vài tháng. Để rồi khi nhìn lại và muốn quay về hành trình viết lách, mình đau đớn nhận ra: phải bắt đầu lại từ con số âm.

Ngừng viết trong khoảnh khắc: Lợi hay Hại phụ thuộc vào bạn

Ngừng viết trong khoảnh khắc có thể là một giây bạn phân tâm khỏi dòng chảy của con chữ khi thông báo email mới vang lên, hay là vài phút ngón tay rời bàn phím để khép lại cánh cửa, ngăn cách bạn với thế giới ồn ào ngoài kia. Đó cũng có thể là một vài giờ bạn cho phép bản thân nghỉ ngơi khi ra ngoài dạo phố, tán gẫu cùng bạn bè, tận hưởng những giây phút bên cạnh người thân.

Ngừng viết trong trường hợp này đôi khi mang lại lợi ích tuyệt vời cho chúng ta. Chẳng hạn, bạn có thể nạp lại năng lượng, vun đắp cảm hứng viết, tập trung trí óc trong không gian yên tĩnh hoặc quan trọng hơn, cân bằng giữa cuộc sống đằng sau màn hình với cuộc sống thật sự đang trôi chảy ngoài kia.

Nhưng cũng có khi ngừng viết chốc lát lại khiến bạn phân tâm, đánh rơi mạch viết và tư duy xuyên suốt. Tạm nghỉ có thể là cái cớ cho thói quen thiếu kỷ luật, khiến bạn trì hoãn công việc và liên tục dừng lại. Khi ấy, ngừng viết sẽ trở thành kẻ thù của con chữ và sự nghiệp viết lách. Ngừng viết trong khoảnh khắc chỉ có lợi khi bạn thực sự làm chủ được nó.

Ngừng viết vài ngày: Khoảng nghỉ dài hơi là con dao hai lưỡi

Ngừng viết vài ngày xuất hiện khi bạn tham gia chuyến du lịch cùng gia đình, bị ốm hoặc có sự kiện đột xuất. Đôi khi, bạn rời xa con chữ để nạp lại năng lượng sau những dự án dài hơi. Khoảng thời gian tạm ngừng này giúp bạn phục hồi thể chất, trí óc và cảm xúc, tránh rơi vào tình trạng chán viết vì kiệt sức. Bạn hoàn toàn có thể chủ động quản lý khoảng ngừng này bằng cách lên kế hoạch cho kỳ nghỉ, hoàn thành công việc trước chuyến đi rồi dễ dàng bắt nhịp trở lại.

Tuy nhiên, ngừng viết vài ngày cũng có thể là điểm khởi đầu cho sự tụt dốc của bạn. Sau quãng nghỉ dài, bạn sẽ cảm thấy bí bách lúc bắt đầu gõ những dòng đầu tiên trên bàn phím. Câu chữ rối tung, bay loạn xạ hoặc biến mất như lặn hàng ngàn cây số dưới biển sâu. Bạn cũng khó tập trung để đọc tài liệu và viết liên tục trong khoảng thời gian dài. Lúc này, dường như có một ngọn lửa trong cơ thể đang câu dẫn tâm trí bạn, thôi thúc bạn đứng dậy và rời khỏi bàn phím.

Nếu tỉnh táo và kiên quyết, bạn sẽ dễ dàng quay trở lại đường đua. Sau vài phút cố gắng viết, câu chữ sẽ dần nổi lên mặt nước và tạo thành dòng chảy liên tục. Cảm xúc bí bách bị dập tắt, thay vào đó là cảm hứng viết và sự thỏa mãn. Ngược lại, nếu thả trôi bản thân, bạn sẽ chính thức tự cắt đứt dây phanh của mình và hành trình tụt dốc bắt đầu.

Giống như ngừng viết trong khoảnh khắc, ngừng viết vài ngày là con dao hai lưỡi, sắc hay ngọt tùy theo cách sử dụng của bạn.

Ngừng viết vài tuần: Đừng huyễn hoặc bản thân nữa, mọi chuyện tụt dốc thật rồi

Khi ngừng viết vài tuần, bạn sẽ nhận thấy mọi thứ bắt đầu khó khăn và chậm chạp hơn. Tốc độ viết giảm đi. Năng suất làm việc chững lại. Số giờ làm việc ít hơn số giờ nghỉ ngơi. Nhiệt huyết và cảm xúc với con chữ cũng nhạt dần. Bạn bắt đầu hồi đáp khách hàng chậm trễ, lười trả lời tin nhắn của bạn bè. Trong mạng lưới networking, bạn thấy những cây viết mới xuất hiện đầy tiềm năng và những cây viết cùng thời đang tiến lên mỗi ngày. Sự e dè khi phải hiện diện là người viết nhen nhóm trong bạn. Số lượng bài viết trên website và facebook cá nhân vì thế mà thưa thớt dần đi.

Lúc này, bạn đã lấn cấn nhận ra điều gì đó nhưng có khi sẽ xua tay, tự động viên bản thân rằng: Không sao, dần dà rồi phong độ sẽ quay trở lại; kiến thức, kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong suốt thời gian qua vẫn đang ở đây. Nhưng vài tuần sẽ thành vài tháng và mọi chuyện chẳng còn đơn giản như bạn nghĩ.

Ngừng viết vài tháng: Sự nhận ra muộn màng

Mình chẳng thể tượng tưởng ra tình cảnh u ám này sau khi ngừng viết vài tháng. Mình đã nghĩ rằng bản thân chỉ đang đứng yên một chỗ và tụt lại so với mọi người xung quanh. Nhưng hóa ra, mình còn yếu kém hơn cả phiên bản 1 năm trước đây của chính mình.

Đầu óc mình trống rỗng, không có một ý tưởng dù đã cố gắng ngồi xuống để brainstorm. Câu chữ nông cạn, văn phong thiếu logic và sự mượt mà. Một bài viết 1000 chữ mà trước đây mình có thể viết ngon ơ trong 2 tiếng, giờ lại tiêu tốn 1 tuần mà rốt cục sửa đi sửa lại vẫn không ưng ý. Vài chục trang tài liệu khiến mình nản lòng, chẳng muốn mở ra để đọc.

Quan trọng hơn, mình chẳng còn cảm thấy tha thiết với con chữ nữa. Viết cũng được, không viết cũng được. Mình không còn động lực để ngồi vào bàn làm việc mỗi ngày rồi liên tục chậm deadline với khách hàng. Thậm chí, khi các dự án cũ kết thúc, mình cũng thờ ơ với việc tìm kiếm khách hàng mới.

Trước đây có thể mình vẫn âm thầm đọc và thả tim cho các bài viết nổi bật của những cây viết khác. Nhưng giờ đây, mình khép kín bản thân và ngừng kết nối với thế giới ngoài kia. Rêu phong đã lan rộng trên website, fanpage cá nhân và cộng đồng cây viết của mình.

Mình cố gắng xem nhiều phim, đọc nhiều sách với mong muốn tìm kiếm cảm hứng và chất liệu viết nhưng vẫn không thể nặn ra những con chữ ưng ý. Mình nằm hàng giờ trên giường, dù không buồn ngủ, chỉ để giết thời gian và tự vấn bản thân rằng “Sao mọi chuyện lại thành ra thế này?”. Mình cố gắng gượng dậy, cầm bút lên rồi nhận ra mọi chuyện thật tệ, chán nản, mình lại thờ ơ nhìn thời gian trôi. Cứ như thế, vòng xoáy tiêu cực lặp đi lặp lại. Mình trượt xa khỏi vạch bắt đầu trước khi kịp nhận ra hiện thực đau lòng này.

Giờ đây, khi viết những dòng này, mình đang dần bước ra khỏi vòng lặp kia để một lần nữa bắt đầu hành trình viết lách. Mình tin rằng thành thật đối mặt với bản thân là bước đầu tiên và quan trọng để vượt qua đau thương. Hi vọng bạn đủ tỉnh táo để nhận ra những khoảng ngừng và không rơi xuống những con dốc vô hình giống như mình.

About the Author

Hạnh Trang

Hạnh Trang là cây viết tự do trong lĩnh vực sức khỏe, đồng thời là người sáng lập Cộng đồng cây viết về sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

1 Comment

  1. […] thật là nếu không thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực này, bạn sẽ ngừng viết và phải dừng bước trên hành trình viết lách chuyên nghiệp. Vậy phải làm sao […]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *