ChatGPT là cái tên nổi rần rần trong một tháng gần đây. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên mạng xã hội những đoạn thơ rất hay do công cụ này sáng tác. Các bài viết, hội thảo chia sẻ bí quyết ứng dụng ChatGPT trong sáng tạo nội dung cũng được quan tâm rất nhiều. Câu hỏi đặt ra là với bài viết về sức khỏe đòi hỏi thông tin chính xác, liệu ChatGPT có thực hiện được không? Nếu có thì liệu trong tương lai, công cụ này có thay thế người viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe không?
Mục lục bài viết
Ưu điểm không thể phản bác của ChatGPT trong sáng tạo nội dung
Sau một thời gian dùng thử ChatGPT, mình không khỏi ngỡ ngàng trước sự thông minh và tiện lợi của công cụ này.
Viết nhanh
Mình đã bấm đồng hồ để xác thực tốc độ sáng tạo nội dung của ChatGPT. Kết quả là công cụ này có thể viết 400 chữ trong 80 giây. Trong khi đó, tốc độ gõ bàn phím của con người là 40 – 80 chữ/ phút, nhanh nhất có thể lên tới 120 chữ/ phút, chưa tính thời gian lập dàn ý và biên tập. Như vậy, ChatGPT có thể múa bút nhanh hơn chúng ta vài chục lần.
Viết đúng
Viết nhanh nhưng cấu trúc lộn xộn thì bài viết cũng không đạt chất lượng. Hơn nữa, với nội dung về sức khỏe, điều mình quan tâm là tính chính xác của thông tin trong bài viết. Mình đã yêu cầu ChatGPT “Viết khoảng 1000 từ về các mẹo giảm đau bụng kinh không cần dùng thuốc” và đây là kết quả.
Như bạn thấy, cấu trúc bài viết được đảm bảo với phần mở đầu, các đề mục và đoạn văn triển khai từng ý. Bài viết cũng không có lỗi chính tả hay ngữ pháp. Mình cũng hỏi ChatGPT về nguồn thông tin trong bài viết, nhưng “vì đây là những kiến thức phổ biến và được chia sẻ rộng rãi trên các nguồn tin đáng tin cậy nên tôi không trích dẫn bất kỳ nguồn cụ thể nào”.
Do đó, để kiểm chứng tính chính xác của thông tin do công cụ này cung cấp, mình đã thay đổi yêu cầu thành “Viết bài khoảng 1000 từ về các mẹo giảm đau bụng kinh không cần dùng thuốc. Trong đó có số liệu và dẫn chứng khoa học”. Sau đó, mình hỏi ChatGPT về nguồn tài liệu tham khảo và công cụ này đã cho mình câu trả lời rõ ràng.
Như vậy, bạn có thể kiểm tra tính chính xác của thông tin và trích dẫn tài liệu tham khảo nếu khách hàng yêu cầu. Điều này sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian tìm kiếm thông tin chuyên sâu từ các nghiên cứu khoa học, đặc biệt với cây viết mới hoặc không quen tìm kiếm báo cáo chuyên ngành y dược.
Sáng tạo linh hoạt
Một điểm cộng nữa của ChatGPT là khả năng sáng tạo các nội dung khác nhau với cùng một yêu cầu. Với cùng yêu cầu “Viết khoảng 1000 từ về các mẹo giảm đau bụng kinh không cần dùng thuốc”, công cụ này cho mình nhiều bài viết khác nhau với các mẹo không trùng lặp. Nếu có mẹo nào giống nhau thì cách triển khai và diễn đạt cũng không bị sao chép nguyên xi.
Viết hay
Như bạn thấy, lời văn của ChatGPT tương đối mượt mà, không quá máy móc và cứng nhắc. Mình cũng đánh giá cao cách ChatGPT sử dụng từ “bạn” trong bài viết khiến độc giả có cảm giác chân thực, giống như giao tiếp với con người chứ không phải là chatbot.
Tuy nhiên, không khó để bạn nhận ra ChatGPT vẫn chưa hoàn thiện trong bước lựa chọn từ ngữ. Một số từ bị dùng sai hoặc diễn đạt hơi gượng gạo. Ngoài ra, cảm giác đồng cảm, kết nối giữa độc giả và người viết thông qua con chữ vẫn chưa sâu đậm.
Chúng ta không thể không công nhận và ngả mũ thán phục trước các tính năng ưu việt của ChatGPT. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng. Theo các chuyên gia, ChatGPT không thể thay thế hoàn toàn người viết.
ChatGPT thay thế người viết trong lĩnh vực sức khỏe – Vì sao không?
Ellyn Vohnoutaka – một copywriter kỳ cực trong lĩnh vực sức khỏe, Giám đốc Công ty Truyền thông EAV cho rằng khó có khả năng ChatGPT thay thế người viết. Nguyên nhân là bởi người viết không đơn thuần chỉ bán chữ kiếm tiền. Thay vào đó, chúng ta có thể trao cho khách hàng nhiều giá trị hơn là con chữ. Đó là cố vấn chuyên môn, tư vấn chiến lược nội dung và tham gia truyền thông tiếp thị bằng “miệng”. Những kinh nghiệm dân gian hay review truyền miệng vẫn luôn chân thực và được đón nhận nồng nhiệt hơn đúng không?
Trong quá trình dùng thử ChatGPT, mình cũng tìm ra một điểm chưa hoàn hảo nữa của công cụ này. Đó là khả năng sáng tạo nội dung dài (long-form). Công cụ này có thể dễ dàng viết 1000 – 1500 từ trong vài phút nhưng lại bó tay trước bài viết 2000 – 3000 từ, ít nhất là tính tới thời điểm hiện tại.
Biến ChatGPT thành “cánh tay trái” của bạn
Mặc dù ChatGPT không thể thay thế người viết nhưng chúng ta nên tận dụng tính ưu việt của công cụ này. Hãy sử dụng cánh tay phải của bạn để viết, và biến ChatGPT thành cánh tay trái nhằm hỗ trợ bạn viết tốt hơn, dễ dàng hơn.
Ưu điểm lớn nhất của ChatGPT là tổng hợp thông tin với tốc độ nhanh. Vì vậy, công cụ này là chiếc búa thần kỳ giúp bạn đập tan trái bí và mở cửa kho tàng ý tưởng viết lách. Ngoài tra cứu từ khóa, tham khảo các gợi ý liên quan của Google hoặc nghiên cứu Keyword Planner, giờ đây bạn đã có thêm một công cụ để tìm kiếm ý tưởng.
Bên cạnh đó, công cụ này cũng rất “được việc” trong bước lập dàn ý và tìm kiếm thông tin. Thay vì mất nhiều thời gian trên Google để tìm được thông tin quý giá, ít tài liệu tham khảo, bạn chỉ cần hỏi ChatGPT, sau đó kiểm định lại tính chính xác của câu trả lời.
Phát triển các kỹ năng mà ChatGPT không thể thay thế người viết
Chúng ta tự tin rằng ChatGPT không thể xóa sổ người viết. Tuy nhiên, để đi trước và nắm quyền kiểm soát máy móc, chúng ta cũng cần liên tục phát triển. Chú trọng phát triển các kỹ năng mà ChatGPT khó có thể thay thế con người chính là bí quyết giúp bạn không bị tụt lại phía sau.
Quan trọng nhất, bạn nên nâng cao kỹ năng viết để không bị đào thải khỏi thị trường đầy cạnh tranh và không ngừng đổi mới này. Nếu không viết được như ChatGPT, làm sao khách hàng tin tưởng và lựa chọn chúng ta?
Ưu tiên phát triển nội dung chuyên sâu, long-form với độ dài trên 2000 từ cũng là hướng đi mà bạn có thể triển khai. Đừng ngại viết dài, đừng sợ độc giả lướt qua những bài viết dày đặc chữ. Bài viết long-form sẽ đem lại thông tin thực sự hữu ích và có giá trị với độc giả, đồng thời chứng minh được năng lực chuyên môn của bạn.
Ngoài ra, bạn nên rèn luyện kỹ năng kể chuyện (story-telling). Story-telling đem lại tính “người” và sự chân thực, gần gũi, từ đó khơi gợi được sự tò mò, đồng cảm và kết nối với độc giả. Story-telling là trải nghiệm của riêng bạn hoặc câu chuyện của những người xung quanh bạn, điều mà ChatGPT không thể viết ra giống y hệt. Đó chính là bản sắc và điểm độc đáo của bạn. Ngoài ra, story-telling cũng giúp bạn phát triển thương hiệu cá nhân hoặc xây dựng câu chuyện thương hiệu cho khách hàng. Đây mới là điều khách hàng cần ở người viết chuyên nghiệp và quyết định trả tiền thuê bạn.
ChatGPT vừa là thách thức vừa là cơ hội. Sự thông minh và tiện lợi của công cụ này đồng nghĩa với việc người viết phải viết tốt hơn, phải sáng tạo nội dung độc đáo hơn để chinh phục được khách hàng. Ngược lại, ChatGPT có thể trở thành trợ thủ đắc lực giúp những cây viết biết nắm bắt thời cơ phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.