Có thể bạn đã biết, kỹ năng đồng cảm là năng lực quan trọng trong giao tiếp và cuộc sống. Thử nghĩ xem sau một ngày mệt mỏi, sẽ tuyệt biết bao nếu bạn có người để tâm sự. Người đó lắng nghe và đồng điệu với cảm xúc của bạn, người đó cho bạn cảm giác thân thuộc và tin tưởng.
Viết cũng là một cách giao tiếp và truyền tải thông tin. Liệu kỹ năng đồng cảm có quan trọng trong viết lách không? Câu trả lời là có, chắc chắn đồng cảm là kỹ năng không thể thiếu của người viết. Nếu bạn để ý, rất nhiều cây bút sử dụng câu chuyện hoặc câu hỏi để khơi gợi cảm xúc và sự đồng điệu của độc giả. Trên phương diện tâm lý, sự đồng cảm bắt nguồn từ khao khát thuộc về trong mỗi cá nhân. Đó là bản năng tự nhiên và bất di bất dịch của tất cả mọi người.
Trong bài viết này, mình sẽ giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của đồng cảm với viết lách cũng như vận dụng kỹ năng này vào công việc sáng tạo nội dung.
Mục lục bài viết
Đừng nhầm lẫn đồng cảm và cảm thông
Đồng cảm (Empathy) thường bị nhầm lẫn với Cảm thông (Sympathy). Tuy nhiên, hai từ này có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Đồng cảm nghĩa là bạn thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn, sự giận dữ, tuyệt vọng hay hạnh phúc vỡ òa mà người khác đã và đang trải qua. Bạn phải đặt bản thân vào vị trí của người khác mới có thể cảm nhận được tận cùng cảm xúc và suy nghĩ của họ. Trong khi đó, cảm thông là thấu hiểu ở mức độ nông hơn. Tức là bạn nhìn ra cảm xúc của người khác nhưng đứng trên phương diện cá nhân, chứ không nhập vai vào họ.
Để mình chỉ cho bạn một ví dụ. Thử tưởng tượng bạn phụ trách truyền thông tiếp thị sản phẩm siro ăn ngon dành cho trẻ biếng ăn. Khi bạn nói với các bậc phụ huynh rằng thức uống này sẽ đập tan những khó khăn của họ, đó là mức độ cảm thông.
Tuy nhiên, nếu bạn đã có con hoặc bạn thử đặt bản thân vào hoàn cảnh của một bà mẹ đang nuôi con nhỏ, bạn sẽ hiểu được rõ hơn sự lo lắng khi con ăn hoài nhưng chẳng tăng cân và cảm xúc bế tắc khi trẻ liên tục gào khóc và ném bỏ thức ăn. Lúc đó, bạn mới thực sự đồng cảm với độc giả và khách hàng của mình.
Vì sao người viết cần kỹ năng đồng cảm?
Xác định chính xác nhu cầu của khách hàng
Không biết độc giả đang gặp khó khăn gì, không biết nội dung nào là điều độc giả thực sự khao khát. Nghe có quen thuộc không? Nếu bạn cũng vướng vào mối tơ vò này, hãy rèn luyện kỹ năng đồng cảm. Bởi chỉ khi đặt bản thân vào hoàn cảnh của độc giả, bạn mới nhìn rõ tâm tư, suy nghĩ của họ.
Mọi người luôn khuyên người hút thuốc “ hãy bỏ thuốc đi, không tốt cho sức khỏe đâu” nhưng nếu bạn từng nghiện cafe, bạn mới hiểu được từ bỏ khó khăn đến nhường nào. Một ví dụ khác, bác sĩ thường dặn bệnh nhân phải vận động sau khi phẫu thuật thì mới nhanh khỏe và không bị nhiễm trùng. Nhưng chỉ khi bác sĩ cởi áo blouse và trở thành bệnh nhân, họ mới nhận ra sự đau đớn sau cuộc mổ thật khủng khiếp.
Người viết cũng vậy. Nếu không đóng vai người đọc, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra lời đáp cho câu hỏi “độc giả thực sự cần gì và muốn gì”. Và khi không thể nắm bắt tâm lý độc giả, những nội dung bạn sáng tạo sẽ không có giá trị hữu ích.
Tăng tỷ lệ thành công của chiến dịch truyền thông – tiếp thị
Đồng cảm là bí quyết thành công của các chiến dịch truyền thông – tiếp thị. Một ngân hàng thông minh đã nghĩ ra ý tưởng sản xuất thẻ tín dụng với thiết kế đặc biệt, giúp gắn kết cảm xúc với khách hàng. Sau khi ra mắt, sản phẩm này đã giúp ngân hàng gia tăng 70% số lượng khách hàng mục tiêu và 40% số lượng tài khoản mới.
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu Thị trường IPSOS, 86% người tiêu dùng khẳng định đồng cảm là yếu tố quan trọng quyết định sự quan tâm, tin tưởng và lựa chọn trung thành của họ dành cho các thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, khi cuộc sống của phần lớn người tiêu dùng đảo lộn và khủng hoảng trầm trọng.
Chính bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra, nếu thương hiệu này không thấu hiểu khó khăn của bạn, nếu sản phẩm kia không đáp ứng nhu cầu của bạn, bạn sẽ không đồng ý mở hầu bao. Vì vậy, ở vị thế của một người viết, hãy đồng cảm để tiếp thị và bán hàng thành công.
Xây dựng mối quan hệ vững bền với độc giả
Bạn đã từng nghe đến vũ trụ điện ảnh của đạo diễn Shin Won Ho chưa? Rất nhiều khán giả trên khắp thế giới “phát cuồng” và “cày đi cày lại” các bộ phim của ông. Một minh chứng khác là chị Linh Phan. Hễ chị xuất bản cuốn sách nào là mình mua cuốn sách đó. Thậm chí mình không ngần ngại mua cả những cuốn sách về chủ đề Làm cha mẹ, trong khi mình vẫn độc thân và chưa có kế hoạch sinh con trong 3 năm tới. Vậy điều gì tạo nên lòng trung thành của khán giả với đạo diễn Shin Won Ho cũng như của mình với chị Linh Phan?
Câu trả lời là sự đồng cảm. Đạo diễn Shin Won Ho không đem đến cho khán giả những kỹ xảo điện ảnh hoành tráng hay cốt truyện kịch tính. Nhưng chính những thước phim gần gũi, những bài học giản dị trong cuộc sống thường ngày đã tạo nên sự đồng điệu trong cảm xúc của khán giả.
Còn với chị Linh, mình nhìn thấy những khó khăn, vấp ngã của bản thân trên hành trình viết lách tự do trong những bài viết của chị. Mình hiểu rằng ở đây luôn có một người chị, người thầy sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ mình trên những bước đi đầu tiên của hành trình viết lách tự do.
Sự đồng cảm ban đầu giúp độc giả chú ý tới bạn. Sau dần, cảm xúc đồng điệu sẽ chuyển thành quan tâm, tin tưởng và cao nhất là trung thành. Kỹ năng đồng cảm không chỉ kết nối mà còn gắn chặt mối quan hệ của người viết với độc giả. Nếu bạn muốn viết bài gì độc giả cũng háo hức đọc, sản xuất sản phẩm gì độc giả cũng mua mà không cần quảng cáo, thì đừng bỏ qua liều thuốc gây nghiện mang tên “đồng cảm” nhé!
Nâng cao kỹ năng đồng cảm để viết tốt hơn
Đồng cảm thật sự quan trọng với người viết nhưng làm cách nào để rèn luyện và ứng dụng hiệu quả kỹ năng này trong sáng tạo nội dung. Dưới đây là 3 cách hữu ích dành cho bạn.
Nghiên cứu độc giả mục tiêu trước khi viết
Đồng cảm giúp bạn thấu hiểu nhu cầu của độc giả và ngược lại thấu hiểu để đồng cảm với độc giả hơn. Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu. Để tạo ra những nội dung gây nghiện, để chạm đến “pain-point” (điểm đau) của độc giả, cách duy nhất là kiên nhẫn lắng nghe và đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ. Một khi bạn đã đồng điệu với cảm xúc của độc giả, họ sẽ chủ động giãi bày, từ đó bạn sẽ tiếp tục nhìn được rõ hơn tâm trí của họ. Sự đồng cảm cứ thế cắm rễ sâu hơn, rộng hơn trong lòng độc giả.
Để tìm hiểu khách hàng, bạn có thể tự trả lời những câu hỏi dưới đây:
- Độc giả mục tiêu của bạn là ai?
- Họ ở trong độ tuổi nào? Họ làm công việc gì?
- Họ có sở thích, đam mê gì?
- Điểm mạnh và khả năng của họ tới đâu?
- Họ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?
- Họ thiếu điều gì và tò mò điều gì?
- Bạn có thể lấp đầy khoảng trống nào cho họ?
- Bạn có thể xoa dịu hay trả lời cho họ những câu hỏi nào?
Hãy liên tục tự đặt câu hỏi và tự trả lời, hãy lắng nghe nhiều hơn để phác họa rõ nét bức tranh độc giả của bạn nhé!
Story-telling là trợ thủ đắc lực
Kể chuyện là kỹ thuật tuyệt vời để khơi gợi cảm xúc của độc giả. Cùng so sánh hai ví dụ dưới đây, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt và hiệu quả của story-telling.
Ung thư là bệnh lý nguy hiểm và ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi, giới tính và vùng miền. Dấu hiệu ban đầu của căn bệnh ác tính này thường mơ hồ, dễ bị bỏ sót. Thông thường, chỉ khi quá khó chịu và hoảng sợ, bạn mới quyết tâm tìm gặp bác sĩ. Nhưng lúc đó đã quá muộn, khối u đã phát triển mạnh mẽ, thời gian sống của bạn cũng bị rút ngắn. Vậy làm cách nào để phát hiện sớm ung thư? Dưới đây là 5 dấu hiệu phổ biến mà bạn cần cảnh giác.
“Thế là hết cách hả bác sĩ? Chắc là thôi, anh phải về nhà thật nhỉ?”. Đó là câu hỏi đồng thời là lời níu kéo cuối cùng của bệnh nhân 39 tuổi mà mình tiễn về hôm nay. Anh mắc ung thư lưỡi giai đoạn cuối. Anh đến viện lúc khối u đã quá lớn và phát triển tại nhiều cơ quan. Không có phương pháp điều trị hiệu quả, thời gian sống thêm của anh chỉ tính bằng ngày.
Khi tôi hỏi anh vì sao khối u to như vậy mà anh không đi khám, anh bảo anh bận thu hoạch nốt vụ mùa, anh phải lo học phí cho mấy đứa nhỏ. Cứ thế, cuộc sống bộn bề cuốn anh đi.
Bạn có giống như nhân vật trên, coi nhẹ sức khỏe của mình không? Liệu những dấu hiệu của bệnh lý ung thư có xuất hiện trên cơ thể bạn mà bạn không biết hoặc cố tình phớt lờ?
Rõ ràng, câu chuyện trong cách mở đầu bài viết thứ 2 chân thật, gần gũi và “người” hơn. Mặt khác, không giống như số liệu, nghiên cứu hay kiến thức chỉ có một sự thật duy nhất, những câu chuyện xuất phát từ trải nghiệm cuộc sống của mỗi người, tức là chẳng có câu chuyện nào giống câu chuyện nào. Đó chính là lý do kể chuyện tạo nên dấu ấn và sự độc đáo riêng của mỗi người viết.
Đối thoại chứ đừng độc thoại
Viết là phương pháp giao tiếp, tức là phải đối thoại đôi bên. Thay vì “quăng” cho độc giả những trang giấy dày đặc chữ hoặc lời lẽ sáo rỗng, bạn hãy trò chuyện, tâm sự với họ. Cách này sẽ giúp độc giả có cảm giác được lắng nghe và đồng điệu cảm xúc hơn.
Bạn có thể sử dụng các cụm từ “Bạn thấy đấy”, “Hãy thử hình dung”… hoặc đặt những câu hỏi “Bạn có từng phải đối mặt với?”, “Điều này có quen thuộc với bạn không?”… Những lời khẳng định “Bạn không đơn độc”, “Bạn luôn được lắng nghe và hỗ trợ”… cũng rất hữu ích.
Bạn là con người chứ không phải “cỗ máy đẻ chữ”. Vì vậy, đừng chỉ viết như một chú robot hay chatbot, hãy thể hiện sự đồng cảm để kéo độc giả lại gần phía mình. Càng ứng dụng tốt kỹ năng này, bạn càng tạo được ảnh hưởng sâu rộng và thành công vững bền hơn với sự nghiệp viết lách.
Đây là một bài viết tâm đắc của mình khi cộng tác với Viết lách kiếm tiền – website đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho người viết tự do. Tới nay, rất tiếc là dự án này đã tạm dừng. Vì vậy, mình đăng tải lại bài viết này với mong muốn những chia sẻ của mình có thể chạm tới nhiều người hơn.