Vài tháng trước, mình tổ chức Thử thách 14 ngày viết về sức khỏe cho các cây viết tự do trong Cộng đồng cây viết về sức khỏe. Trong đó, có một bài viết nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ giới chuyên môn. Ngay lập tức, một người bạn đang nhăm nhe chuyển hướng sang viết lách nhắn tin cho mình “Chị sợ nhất bài viết của mình bị mổ xẻ và gây tranh cãi. Đó là lý do chị chần chừ, không dám dấn thân vào nghề viết”.
Mình tin rất nhiều cây viết có chung nỗi niềm như vậy. Rốt cuộc nỗi sợ bị phán xét có đáng sợ không và người viết phải làm sao khi bài viết bị ném đá?
Quẳng đi nỗi sợ bài viết bị ném đá
Mình từng chia sẻ một bài viết về công việc bác sĩ và điều dưỡng cho các em học sinh cấp 3 với mục đích giúp các em nhìn nhận đúng đắn và một trong hai công việc này lựa chọn dễ dàng. Tuy nhiên, bài viết đó của mình đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội. Nhiều người nói mình thiển cận, đề cao bác sĩ và coi rẻ điều dưỡng, trong khi thực tế, bài viết của mình nhấn mạnh tính cần thiết và gắn bó khăng khít của hai công việc này.
Sau khi nhận được những chỉ trích tiêu cực đó, mình rơi vào trạng thái bồn chồn, sợ hãi và lo lắng tột độ. Và chỉ sau 3 tiếng đăng tải, mình quyết định xóa bài viết và rời khỏi cộng đồng ấy.
Bạn thấy đấy, để trở thành một cây viết, bạn phải xuất hiện và phơi bày quan điểm của bản thân trước công chúng. Điều đó có nghĩa là bạn phải sẵn sàng tinh thần “đứng mũi chịu sào” và đối diện với những phán xét, chỉ trích của độc giả. Nỗi sợ bị chỉ trích, bị phán xét ấy thật kinh khủng và có thể bóp nghẹt nhiều cây viết, đặc biệt với những mầm non chớm nở.
Tuy nhiên, nếu vứt bỏ con chữ, bạn không thể tiếp tục trở thành cây viết và sống được với nghề này. Bạn sẽ tự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp viết lách tự do của bản thân. Vì vậy, chẳng có cách nào khác, bạn phải đối mặt và vượt qua những cảm xúc tiêu cực ấy để tiếp tục viết. Đó là lý do khi cuộc tranh luận về một bài viết trong Thử thách 14 ngày viết về sức khỏe xảy ra, mình đã nhắn cho tác giả rằng:
Em mong anh bình tĩnh đón nhận góp ý của mọi người và không nản chí, sợ hãi mà buông bỏ ngòi bút. Dù thế nào, em cũng tin anh có thể trở thành cây viết xuất sắc.
Bạn cũng thế. Đừng buông bỏ con chữ nhé! Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sức khỏe rộng lớn và liên tục đổi mới, bạn khó lòng biết hết được kiến thức. Do đó, đừng quá cầu toàn và khắt khe với bản thân, đừng tự trách mình thiếu hiểu biết. Thay vào đó, hãy sử dụng thời gian dằn vặt, đổ lỗi cho chính mình để tiếp tục nghiên cứu và tìm đọc tài liệu. Tất cả chúng ta đều có thể sai lầm. Quan trọng là cách bạn nhìn nhận và chỉnh sửa lỗi sai đó.
Xử lý những bình luận tiêu cực
Sau này, mình đã đối diện với tình huống bị ném đá thêm một vài lần nữa. Mình vẫn bồn chồn, lo lắng không yên nhưng không còn vội vàng cụp đuôi, xóa dấu vết nữa. Thay vào đó, khi nhận được phản hồi trái chiều, mình luôn cố gắng bình tĩnh, đọc lại phần bài viết gây tranh cãi.
Tiếp đó, tìm đọc và nghiên cứu kỹ lại tài liệu. Cuối cùng, khi tâm trí đã bình tĩnh và có đủ bằng chứng vững chắc, mình sẽ hồi đáp độc giả. Mình sẽ cám ơn góp ý của họ và lập luận để chứng minh, bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng cũng có khi mình lờ đi và chặn độc giả nếu bình luận của họ phiến diện, chỉ mang tính chỉ trích, gây tranh cãi chứ không phải góp ý xây dựng.
Mình quen một cây viết tự do rất cá tính. Chị từng nói với mình rằng “Facebook của chị là nơi chị sống thật và chia sẻ những gì chị nghĩ. Chị không cần tất cả mọi người yêu quý chị. Chị cũng không cần phải sống thảo mai, giả dối. Với những người không thích chị hoặc muốn tranh cãi, ném đá, chị sẽ thẳng tay nhấn nút “block”. Thậm chí, mẹ chị cũng từng rơi vào danh sách đen khi bà một mực răn dạy chị không nên viết như thế trên facebook”.
Quả là một cây viết thẳng thắn và cá tính đúng không? Mình không yêu cầu bạn phải trở nên gai góc giống như người chị trên, nhưng mình mong bạn học được tính cách mạnh mẽ của chị ấy. Hãy lắng nghe và biết cách chọn lọc phản hồi của độc giả. Đừng quá bi lụy mà hãy thẳng tay chặn những anh hùng bàn phím để giải tỏa gánh nặng tinh thần trên vai bạn.
Sau tất cả, những độc giả chân chính, đích thực vẫn luôn thấu hiểu, yêu quý và trân trọng giá trị mà bạn đang trao tặng. Đừng vì một vài lời chỉ trích hoặc nhận xét tiêu cực mà quên mất điều quan trọng ấy nhé!