Khi đàm phán với những khách hàng đầu tiên, mình đã vô cùng lúng túng vì không biết nên đề xuất mức giá bao nhiêu. Ngần này là cao hay thấp, đã xứng đáng với công sức và năng lực của mình hay chưa? Nếu là cây viết mới, chắc hẳn bạn cũng đang vò đầu bứt tai giống mình một năm trước. Đó là lý do mình chia sẻ với bạn bài viết này, để giúp bạn tránh xa 5 sai lầm mà mình và nhiều cây viết khác từng mắc phải khi báo giá nhuận bút cho khách hàng. Từ đó, bạn có thể xác định giá bán con chữ hợp lý.
Mục lục bài viết
Ước tính không đầy đủ thời gian làm việc
Sai lầm mà nhiều cây viết newbie thường mắc phải là chỉ tính nhuận bút dựa trên thời gian viết bài mà bỏ sót giai đoạn tìm kiếm ý tưởng, nghiên cứu tài liệu, thiết kế hình ảnh, đăng tải và biên tập. Hậu quả là bạn vô tình tự bóc lột bản thân với mức giá quá rẻ so với công sức bỏ ra.
Bạn hãy thử bấm giờ từ lúc lên ý tưởng tới khi bài viết được đăng tải thành công lên website. Khi đó, bạn sẽ nhận ra những đầu việc vô hình kể trên thật ra ngốn rất nhiều thời gian và công sức. Và nhuận bút xứng đáng cho người viết phải bao gồm tất cả những bước phụ trợ này.
Vì vậy, để xác định mức nhuận bút hợp lý, trước tiên, bạn phải biết bản thân cần bao nhiêu thời gian để thực hiện một bài viết hoàn chỉnh. Cách xác định rất đơn giản. Bạn chỉ cần bấm giờ và tập trung làm việc. Thời gian hoàn thiện một bài viết chính là tổng thời gian của tất cả các bước sáng tạo nội dung.
Ảo tưởng hoặc xem nhẹ năng lực của bản thân
Những cây viết mới thường có xu hướng xem nhẹ năng lực của bản thân, thiếu tự tin và chấp nhận mức nhuận bút quá thấp. Hậu quả là sau đó bạn sẽ cảm thấy thất vọng, nản chí và mất niềm tin vào con chữ. Một vài cây viết khác lại rơi vào tình huống “ngáo giá” và “ảo tưởng sức mạnh”. Các bạn đề xuất mức nhuận bút quá cao, vượt quá năng lực thực sự của bản thân, khiến khách hàng cao chạy xa bay.
Để tránh hai sai lầm trên, bạn phải đánh giá chính xác năng lực của mình. Bạn có kinh nghiệm sáng tạo định dạng nội dung này chưa, bạn đã nghiên cứu chủ đề này bao lâu, bạn có thể đảm bảo kỹ thuật SEO hay thiết kế hình ảnh đẹp mắt không?…
Khi biết chính xác mình có thể cung cấp được giá trị gì cho khách hàng, bạn sẽ không còn cảm giác e dè, ngại ngần mà hạ thấp bản thân. Đồng thời bạn cũng không “hét giá” quá cao so với năng lực thực sự. Tin mình đi, khách hàng luôn đánh giá cao một cây viết “biết mình biết ta” vì đó sẽ là người giúp họ “trăm trận trăm thắng”.
Không đánh giá chính xác tính chất công việc
Một sai lầm phổ biến khác là bạn không hiểu cặn kẽ tính chất công việc trước khi báo giá. Cùng là chủ đề sức khỏe nhưng những bài viết chuyên sâu về bệnh học, chẩn đoán, điều trị chắc chắn sẽ phức tạp hơn nội dung chăm sóc sức khỏe thường thức. Bạn sẽ cần nhiều thời gian và chất xám để đọc hiểu tài liệu và tìm kiếm dẫn chứng khoa học.
Mặt khác, định dạng nội dung và yêu cầu của khách hàng cũng là những yếu tố cần thiết để đánh giá tính chất công việc. Chẳng hạn, khi khách hàng muốn bạn viết dạng bài phỏng vấn, copywriting hoặc story-telling, bạn sẽ cần thêm thời gian để trò chuyện với khách mời, tìm hiểu sản phẩm hoặc thu nhặt chất liệu kể chuyện. Lúc này, mức nhuận bút cần cao hơn các bài viết thông thường.
Do đó, khi đàm phán với khách hàng, bạn đừng vội vàng gật đầu với mức nhuận bút họ đưa ra, cũng như không nên gửi báo giá chung cho tất cả các khách hàng. Hãy tìm hiểu kỹ càng và đánh giá sáng suốt để không bị “hớ”, bạn nhé!
Quá đong đếm tiền bạc
Viết để kiếm tiền thì có gì sai? Đúng vậy, quan tâm tới đồng lương hàng tháng là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, đừng quá đề cao và tập trung đong đếm số tiền mà bạn nhận được. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ đến những lợi ích bên lề nữa.
6 tháng gần đây, mình tham gia Vietnam Health Literacy – một dự án nâng cao sức khỏe cộng đồng do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Đây là công việc tình nguyện, tức là mình không nhận được lương hay trợ cấp. Nhưng bù lại, mình được làm việc với nhiều anh chị có kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, truyền thông tiếp thị, thiết kế và quản lý.
Mình đã học thêm cách đọc tài liệu chuyên ngành, sắp xếp công việc và làm việc nhóm. Mình có cơ hội giới thiệu cuốn ebook 8 bước sáng tạo nội dung về sức khỏe cho nhiều thành viên trong dự án. Và hơn hết, mình được sống với sứ mệnh mà mình ấp ủ khi trở thành cây viết tự do: lan toả kiến thức sức khỏe chính xác, khoa học, hữu ích tới nhiều người hơn.
Lợi ích phía sau một công việc không đơn thuần chỉ là tiền lương mà còn là kinh nghiệm, mối quan hệ và cơ hội phát triển trong tương lai. Hãy nhớ rằng, một chút miễn phí và hạ giá đôi khi có thể đưa lại cho bạn rất nhiều giá trị quý giá.
Thiếu tầm nhìn cho tương lai
Có một khách hàng từng chủ động đề xuất mức nhuận bút cho mình. Đó là mức giá tương đối thấp so với lợi ích mà mình có thể mang lại cho họ. Nhưng khách hàng muốn hợp tác với mình lâu dài và mời mình định hướng nội dung cho họ sau này chứ không đơn thuần chỉ là người viết. Đó là lý do mình gật đầu đồng ý.
Tầm nhìn cho tương lai là tiềm năng gắn bó lâu dài với khách hàng. Khách hàng “trung thành” sẽ giúp bạn giảm bớt thời gian tìm kiếm và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng mới. Đồng thời, mức thu nhập hàng tháng của bạn cũng đều đặn hơn. Vì thế, bạn nên nhìn xa trông rộng để đánh giá tiềm năng của khách hàng trước khi vội vàng từ chối lời mời hợp tác vì mức nhuận bút chưa phù hợp.
Có được mức thù lao xứng đáng là nhu cầu và niềm hạnh phúc của mọi cây viết. Bạn đừng vội vàng bán rẻ chất xám của bản thân, ảo tưởng năng lực hay quá coi trọng đồng tiền. Hãy tránh xa 5 sai lầm phía trên để giàu có hơn, về cả vật chất lẫn tinh thần nhé!