Tham gia các khóa học online để trau dồi kiến thức về sức khỏe là một trong những chiến lực gấp 5 lần thu nhập từ nghề viết tự do mà mình đã chia sẻ với bạn. Hôm nay, mình sẽ hướng dẫn bạn cách tham gia các khóa học online chất lượng với học phí đắt đỏ dù điều kiện tài chính không dư dả. Đó chính là xin học bổng. Cụ thể, mình sẽ bật mí tất cả các mẹo mà mình đã sử dụng để giành được học bổng toàn phần trị giá gần $2.000 ngay từ lần thứ 2 viết đơn xin học bổng.
Mục lục bài viết
- 1 Bạn hoàn toàn có thể đậu học bổng, giống như mình trong câu chuyện dưới đây
- 2 7 mẹo đơn giản giúp bạn đậu học bổng khóa học sức khỏe
- 2.1 Xác định khóa học có chương trình hộc bổng không
- 2.2 Thường xuyên theo dõi để không bỏ lỡ thông báo mở đơn đăng ký học bổng
- 2.3 Tìm hiểu kỹ học bổng trước khi đăng ký
- 2.4 Đừng quên nghiên cứu nội dung khóa học
- 2.5 “Nắm thóp” giảng viên và nhà trường
- 2.6 Trả lời thẳng thắn và hướng về cộng đồng
- 2.7 Tận dụng Google Translate và ChatGPT để viết đơn xin học bổng
Bạn hoàn toàn có thể đậu học bổng, giống như mình trong câu chuyện dưới đây
Thời đi học, mình từng giành được nhiều học bổng của thầy cô và nhà trường. Nhưng hầu hết những học bổng đó được đánh giá dựa trên kết quả học tập, tức là thi tốt, đạt điểm cao thì có học bổng. Khi đó, khái niệm chủ động đăng ký và viết đơn xin học bổng với mình thật sự xa vời vì mình nghĩ rằng phải giỏi tiếng Anh, phải khao khát đi du học thì mới cần và có thể làm được điều đó.
Mãi tới 1 năm gần đây, mình mới bắt đầu tìm hiểu về học bổng khóa học sức khỏe online. Lý do là bởi có rất nhiều khóa học trực tuyến chất lượng bằng tiếng Anh nhưng học phí của những khóa học này không hề nhỏ. Đây cũng là lúc mình nhận ra suy nghĩ của bản thân trước đây thật ấu trĩ.
Bạn không cần phải đi du học mới có thể viết học bổng. Bởi lẽ có rất nhiều khóa học online trên thế giới có chương trình học bổng để hỗ trợ các học viên không có điều kiện tài chính. Và bạn hoàn toàn có thể đậu học bổng dù trình độ tiếng Anh không xuất sắc.
Mình là một ví dụ. Mình có thể giao tiếp tiếng Anh ở mức cơ bản, đọc hiểu được tài liệu chuyên ngành sức khỏe nhưng không giỏi sử dụng ngôn ngữ này để viết. Vì vậy, mình đã vô cùng bối rối trong lần đầu tiên viết đơn xin học bổng bằng tiếng Anh. Dẫu vậy, mình không bỏ cuộc và đã giành được học bổng toàn phần trị giá gần $2.000 ngay từ lá thư xin học bổng thứ 2 (mình không đậu học bổng đầu tiên vì tiêu chí lựa chọn là quay số ngẫu nhiên).
Vì vậy, đừng tự tin rằng bạn không giỏi tiếng Anh hoặc không có kinh nghiệm viết đơn xin học bổng mà chùn bước để rồi bỏ qua khóa học chất lượng vì học phí quá cao. Hãy nhớ tới câu chuyện của mình và hãy nhớ rằng “săn” học bổng là cách tốt nhất, tiết kiệm nhất để bạn nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với tri thức, con người bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
7 mẹo đơn giản giúp bạn đậu học bổng khóa học sức khỏe
Xác định khóa học có chương trình hộc bổng không
Để chuẩn bị chu đáo và không bỏ lỡ cơ hội đăng ký học bổng, trước tiên, bạn hãy tìm hiểu những thông tin dưới đây:
- Khóa học mà bạn quan tâm có chương trình học bổng không?
- Có các mức học bổng nào? 100%, 70%, 50% hay 30%?
- Giảng viên/ Nhà trường sẽ trao học bổng cho bao nhiêu người mỗi lần mở đơn đăng ký học bổng?
- Cách thức lựa chọn học bổng như thế nào?
- Thời gian dự kiến bắt đầu nhận đơn đăng ký học bổng
Hầu hết các khóa học chọn ứng viên đậu học bổng dựa trên đơn đăng ký của bạn, nhưng cũng có khóa học (giống như khóa học đầu tiên mình đăng ký) sử dụng phương pháp quay số ngẫu nhiên.
Những khóa học lâu đời thường có các đợt đăng ký học bổng cố định, ví dụ học bổng mùa hè, học bổng mùa đông. Một số khóa học khác sẽ bất ngờ thông báo thời gian đăng ký học bổng. Vì thế, bạn nên bỏ túi bí quyết thứ 2 dưới đây.
Thường xuyên theo dõi để không bỏ lỡ thông báo mở đơn đăng ký học bổng
Bạn có thể theo dõi facebook của giảng viên/ nhà trường hoặc đăng ký theo dõi tin tức qua email để nắm được thông tin sớm nhất về học bổng. Tuy nhiên, lưu ý rằng đôi khi email của giảng viên/ nhà trường có thể bị Gmail đánh dấu là spam. Vì thế, thỉnh thoảng bạn hãy lướt qua cả hòm thư rác nhé!
Tìm hiểu kỹ học bổng trước khi đăng ký
Trước khi điền đơn đăng ký, bạn nên tìm hiểu xem học bổng khóa học sức khỏe này ưu tiên đối tượng nào và bạn có thuộc nhóm đó không. Mình thấy các học bổng bằng ngôn ngữ tiếng Anh thường ưu tiên:
- Học viên không có điều kiện tài chính, hoàn cảnh gia đình khó khăn
- Học viên da màu
- Học viên thuộc các cộng đồng dễ bị tổn thương (ví dụ cộng đồng LGBT)
- Học viên đến từ các quốc gia chưa phát triển (trong đó có Việt Nam :D)
Khi nắm bắt được những thông tin này, bạn có thể khẳng định trong đơn đăng ký học bổng rằng bạn là ứng viên phù hợp.
Đừng quên nghiên cứu nội dung khóa học
Mục đích của việc nghiên cứu khóa học là để xác định điểm nổi bật và khác biệt của khóa học khiến giảng viên/ nhà trường tự hào, từ đó bạn có thể xoáy sâu vào điểm này khi viết đơn đăng ký.
Khi tìm hiểu một khóa học, mình thường đọc kỹ nội dung và chủ đề của các bài học trong khóa học đó. Đầu tiên là để xác định xem khóa học có phù hợp với mình không, có đáng giá không và có gì khác biệt so với những khóa học khác. Ngoài ra, khi viết đơn đăng ký học bổng, mình sẽ dựa vào những thông tin này để thể hiện cho giảng viên/ nhà trường thấy rằng mình rất quan tâm tới khóa học và hiểu được giá trị của khóa học.
“Nắm thóp” giảng viên và nhà trường
Giống như bước tìm hiểu khách hàng trước khi tiếp cận, mình sẽ nghiên cứu để hiểu được giảng viên/ nhà trường trước khi viết đơn xin học bổng khóa học sức khỏe. Cụ thể, mình sẽ tìm hiểu quan điểm của họ về các vấn đề được trình bày trong khóa học, chuyên môn, nền tảng và câu chuyện cá nhân của họ…
Ví dụ, giảng viên trong khóa học mà mình được trao học bổng là chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ. Cô ấy đã tìm đọc rất nhiều kiến thức và sẵn sàng chăm sóc bản thân sau khi sinh con. Tuy nhiên, sau khi em bé chào đời, cô ấy vẫn vô cùng bỡ ngỡ, thậm chí còn mắc chứng trầm cảm và rối loạn lo âu. Vì vậy, cô ấy rất quan tâm tới việc chăm sóc phụ nữ sau sinh và khuyến khích gia đình, bạn bè, các chuyên gia y tế, cộng đồng các bà mẹ chung tay hỗ trợ phụ nữ sau sinh.
Khi mình nghe được câu chuyện này, mình đã trình bày trong đơn đăng ký học bổng rằng:
Ở đất nước tôi, phụ nữ sau sinh chưa được quan tâm đúng mực và cũng chưa có đội ngũ chuyên gia riêng để hỗ trợ họ. Các bà mẹ Việt Nam thường dành toàn bộ sự chú ý cho con và ít quan tâm tới sức khỏe của bản thân. Vì thế, tôi muốn tham gia khóa học của bạn để trở thành chuyên gia chăm sóc sau sinh, từ đó nâng cao chất lượng sức khỏe cho các bà mẹ tại Việt Nam.
Để bán được khóa học, các giảng viên thường chia sẻ câu chuyện, trải nghiệm cá nhân của họ nhằm chạm được tới trái tim của học viên và thuyết phục học viên trả tiền mua khóa học. Vì thế, hãy áp dụng chiến lược này để giảng viên thấy bạn thấu hiểu và có chung quan điểm với họ, từ đó thúc đẩy họ trao học bổng cho bạn.
Bạn có thể nghiên cứu giảng viên/ nhà trường bằng cách đọc các bài viết trên website, tham gia cộng đồng trên facebook do giảng viên/ nhà trường quản lý hoặc lắng nghe podcast, tham dự các workshop miễn phí do giảng viên/ nhà trường tổ chức.
Trả lời thẳng thắn và hướng về cộng đồng
Khi viết đơn đăng ký học bổng khóa học sức khỏe, bạn đừng ngại chia sẻ về những khó khăn khiến bạn không thể chi trả được học phí. Ví dụ: bạn đang là sinh viên, bạn có khoản nợ cần trả, bạn vừa mới tốt nghiệp hoặc đang trong thời gian nghỉ thai sản nên không có thu nhập, bạn không muốn phụ thuộc kinh tế vào chồng…
Ngoài ra, với câu hỏi “Bạn dự định làm gì sau khi hoàn thành khóa học?”, hãy viết câu trả lời hướng về cộng đồng độc giả hoặc khách hàng của bạn chứ đừng chỉ tập trung vào cá nhân bạn. Chẳng hạn, khi nhận được câu hỏi “Kế hoạch tương lai của bạn sau khi hoàn thành chứng chỉ dinh dưỡng sau sinh là gì?”, mình đã trả lời trong đơn đăng ký học bổng như sau:
Dự định của tôi sau khi hoàn thành chứng chỉ này là:
- Xây dựng các khóa học cho các bậc phụ huynh để giúp họ hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng với bà mẹ sau sinh và sự phát triển của em bé.
- Tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ sau sinh để giúp họ phục hồi sức khỏe, thấu hiểu cơ thể mình và tự tin nuôi dưỡng em bé.
- Xây dựng cộng đồng các bà mẹ để mọi người cùng chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, nhờ đó hành trình làm mẹ của họ không còn đơn độc.
- Phát triển các công thức nấu ăn, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe kết hợp y học cổ truyền và khoa học hiện đại và phù hợp với nền văn hóa Việt Nam.
- Sau khi có kinh nghiệm, tôi kỳ vọng có thể chia sẻ những kiến thức bổ ích này cho nhiều người Việt Nam hơn, đồng thời hỗ trợ các bạn muốn trở thành chuyên gia chăm sóc sau sinh tại đất nước tôi. Tôi tin rằng đó là cách lâu dài để nâng cao chất lượng chăm sóc bà mẹ sau sinh ở Việt Nam.
Hoặc khi mình mở đơn đăng ký học bổng khóa học Viết báo Sức khỏe – Chìa khóa để bắt đầu và thành công và khóa học Có được thu nhập đầu tiên từ nghề viết về sức khỏe dành cho thành viên của Cộng đồng cây viết về sức khỏe, một bạn đã trả lời câu hỏi “Trong trường hợp không đậu học bổng, bạn có muốn đề xuất điều gì với mình không?” như sau:
Nếu không đậu học bổng, em sẽ điền đơn đăng ký khóa học. Còn nếu đậu học bổng, em sẽ dùng số tiền lẽ ra dành cho việc mua khóa học để đóng góp cho dự án Nuôi em.
Câu trả lời này khiến mình vô cùng bất ngờ và ấn tượng, và kết quả là bạn ấy đã trở thành 1 trong 6 học viên nhận được học bổng từ mình.
Bạn hãy nhớ rằng, giảng viên/ nhà trường muốn học bổng của họ được trao cho đúng người để lan tỏa rộng khắp những giá trị, thông điệp hữu ích mà họ gửi gắm trong khóa học. Do đó, câu trả lời, kế hoạch, dự định hướng về cộng đồng sẽ có sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ.
Tận dụng Google Translate và ChatGPT để viết đơn xin học bổng
Đây là mẹo dành cho các bạn không tự tin với trình độ ngoại ngữ của bản thân và bối rối không biết viết đơn xin học bổng bằng tiếng Anh như thế nào. Mình đã áp dụng cách này và thấy rất hiệu quả.
Cách mình thực hiện như sau: viết trước những ý mình muốn trình bày bằng tiếng Việt, rồi sử dụng Google Translate và ChatGPT để chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Lưu ý, văn bản tiếng Việt của bạn càng rõ ràng, mạch lạc thì bản dịch của Google Translate và ChatGPT càng chính xác. Cuối cùng, hãy kiểm tra và chau chuốt lại bản dịch của AI sao cho nuột nà và “con người” nhất.
Mình hi vọng những chia sẻ này hữu ích với bạn. Chúc bạn sớm giành được học bổng khóa học sức khỏe trị giá nghìn đô để nâng tầm tri thức, bằng cấp và thu nhập. Bạn có thể tham gia Cộng đồng cây viết về sức khỏe để không bỏ lỡ thông tin về các chương trình học bổng từ mình nhé!