Bắt đầu tiếp cận khách hàng đầu tiên là giai đoạn khó khăn và có sức ì mạnh mẽ nhất. Bạn sẽ cảm thấy nản chí, chần chừ vì bạn là cây viết mới, chưa hề có kinh nghiệm. Sơ khai như tờ giấy trắng thì ai sẽ đồng ý thuê bạn chứ? Có đấy, nếu bạn có các sản phẩm chất lượng kèm theo tư duy nhạy bén.
Mục lục bài viết
Sản phẩm chất lượng là gì?
Website/ Fanpage/ Instagram chuyên nghiệp
Sản phẩm chất lượng đầu tiên mà cây viết mới có thể tạo ra là website cá nhân. Khi truy cập vào website của bạn, khách hàng có thể biết được bạn là ai, bạn viết về chủ đề gì, năng lực của bạn như thế nào cũng như cảm nhận được sự chuyên nghiệp thông qua cách thiết kế, bài trí website. Thay vì đính kèm CV và các bài từng viết, website mới là portfolio rõ ràng nhất, thuyết phục nhất mà bạn có thể gửi tới khách hàng.
Tuy nhiên, không phải cây viết nào cũng có điều kiện xây dựng website cá nhân ngay từ giai đoạn đầu. Trong trường hợp này, bạn có thể tạo dựng fanpage facebook hoặc instagram. Hai nền tảng này hoàn toàn miễn phí và các thao tác kỹ thuật cũng không phức tạp như thiết kế website.
Dù sử dụng website hay mạng xã hội, bạn đều nên đăng tải bài viết thường xuyên và có sự thống nhất trong chủ đề nội dung, hình ảnh, thiết kế. Có như vậy, chúng mới trở thành sản phẩm chất lượng và thể hiện được năng lực của bạn.
Bài viết cộng tác với tạp chí online uy tín
Chắc hẳn bạn đã nghe tới công việc cộng tác viên báo chí: bạn gửi bài viết cho báo điện tử và tòa soạn trả tiền nhuận bút cho bạn. Tuy nhiên, một vài tờ báo chỉ nhận đăng bài không trả phí từ cộng tác viên tự do, giống như trao cho các cây viết mới cơ hội xuất bản bài viết.
Viết bài miễn phí cho các tạp chí điện tử sẽ giúp bạn luyện viết, tích lũy kinh nghiệm và làm đẹp portfolio. Điểm cộng của sản phẩm này là bạn không mất thời gian thiết kế website, fanpage, instagram và cũng không cần đăng tải nhiều bài viết hàng tuần.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gửi đăng bài viết miễn phí tới website của các cây viết khác. Bạn nên lựa chọn những website có tên miền không chứa tên riêng. Khi khách hàng nhìn những cái tên như andamvuive.com, sotaylamme.com sẽ cảm thấy chuyên nghiệp hơn so với tên cá nhân như hanhtrangwriter.com. Nhất là khi tên cá nhân đó không phải tên của bạn.
Để bài viết cộng tác của bạn là một sản phẩm chất lượng, bạn hãy ưu tiên những tạp chí, website uy tín. Uy tín không hẳn là nổi tiếng. Uy tín thể hiện ở nội dung chất lượng, hình thức chỉn chu và thông điệp rõ ràng, xuyên suốt. Ngoài ra, bạn cũng nên gửi gắm bài viết của mình cho những tạp chí cho phép hiển thị phần giới thiệu tác giả. Có như vậy, khách hàng mới cảm thấy tin tưởng và ấn tượng với bài viết của bạn.
Ebook được đầu tư nhiều chất xám
Ebook là sản phẩm tạo nên bước đột phá trong hành trình tìm kiếm khách hàng của mình. Ebook đầu tay đã giúp mình tiếp cận thành công 2 khách hàng và thu hút 1 khách hàng chủ động tìm tới mình.
Sách điện tử là sản phẩm tri thức chuyên sâu, yêu cầu bạn có chiến lược, cam kết không bỏ dở giữa chừng cũng như cần đầu tư nội dung và thiết kế. Vì vậy, không có nhiều cây viết lựa chọn sản phẩm này để tìm kiếm khách hàng. Nhưng cũng chính vì thế, nếu bạn tự xuất bản ebook thì sẽ khả năng thuyết phục được khách hàng sẽ cao hơn.
Tư duy nhạy bén để tự tin tiếp cận khách hàng đầu tiên
Sau khi xây dựng website cá nhân, mình đã ngay lập tức tiếp cận khách hàng đầu tiên. Tuy nhiên, hầu hết email của mình không được hồi đáp. Vì sao lại thế? Rõ ràng mình đã có một sản phẩm chất lượng cơ mà. Sự thật là, có sản phẩm chất lượng thôi chưa đủ. Quan trọng hơn, bạn cần sử dụng tư duy nhạy bén để thuyết phục được khách hàng.
Hiểu khách hàng đang tìm kiếm điều gì
Mình từng đề xuất hợp tác với một cửa hàng nước ép trái cây mới thành lập và một bệnh viện tư nhân khá nổi tiếng tại Hà Nội. Tuy nhiên, mình đã thất bại với cả hai khách hàng. Sau này, mình mới nhận ra sai lầm của bản thân là chưa hiểu được nhu cầu của họ.
Doanh nghiệp start-up trên còn non trẻ. Người sáng lập có thể phụ trách nhiệm vụ của người sáng tạo nội dung, chứ không cần tốn kém thuê thêm một cây viết. Ngược lại, bệnh viện tư nhân kia đã có đội ngũ cố vấn chuyên môn nên họ cần tìm người có năng lực về marketing và copywriting.
Bạn hiểu mình muốn nói điều gì chứ? Hãy nhạy bén nghiên cứu và tìm ra điều khách hàng cần, chứ đừng vội vã tiếp cận để rồi phải nhận lại cái lắc đầu và cảm giác nản chí giống như mình trước kia.
Biết mình có thể mang lại lợi ích gì cho khách hàng
Sau khi hiểu được nhu cầu của khách hàng, bước tiếp theo, bạn cần đánh giá xem bản thân có thể đưa đến lợi ích nào cho họ, từ nền tảng học vấn, sở thích, điểm mạnh tới cả những kinh nghiệm không liên quan đến viết. Đây chính là điều sẽ khách hàng muốn nghe và có thể thuyết phục được họ.
Mình đang làm việc với một công ty công nghệ gen. Khi tiếp cận khách hàng này, mình đã nhấn mạnh nền tảng học vấn Y sinh học. Sau đó, mình khẳng định có thể đưa đến cho họ những bài viết chất lượng với thông tin chuẩn xác. Đây là điều mà không phải cây viết nào cũng có thể làm được vì lĩnh vực gen chuyên sâu và khó hiểu. Thậm chí, mình còn tự tin đề xuất tăng nhuận bút so với mức khách hàng đề xuất. Bởi lẽ mình tin rằng “biết mình, biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Kết thúc bài viết này, mình sẽ kể cho bạn một câu chuyện vui mà mình từng đọc được. Truyện kể về một chàng trai tham gia phỏng vấn tìm việc. Nhà tuyển dụng hỏi cậu rằng: “Bạn từng làm công việc này trước đây chưa?”. Chàng trai trả lời là chưa và kết quả cậu trượt. Bước ra khỏi phòng phỏng vấn, cậu vừa chán nản vừa cáu giận và đã thét lên rằng “Nếu không ai chịu tuyển tôi thì tôi lấy đâu ra kinh nghiệm!”.
Đừng chờ đợi cơ hội làm việc với khách hàng để thu nhận kinh nghiệm, hãy tự tạo ra kinh nghiệm cho bản thân, bạn nhé!