Có thể bạn nghĩ để sáng tạo nội dung, chỉ cần đặt bút viết, sau đó chỉnh sửa là xong. Nhưng thực ra các bước sáng tạo nội dung đòi hỏi bạn đầu tư công sức và thời gian nhiều hơn thế. Tài liệu này bao gồm 8 bước thực hiện một bài viết mà mình đã áp dụng để sản xuất nội dung cho bản thân và khách hàng. Cùng xem đó là những bước gì nhé!
Mục lục bài viết
Bước 1. Tìm kiếm ý tưởng
Không phải cứ nghĩ ra ý tưởng bất kỳ nào là bạn sẽ hùng hục viết ngay. Ý tưởng chất lượng mới là đích nhắm của bạn. Ý tưởng chất lượng là ý tưởng mang lại giá trị cho độc giả. Không cần câu like, giật tít, các bài viết của bạn vẫn thu hút được sự quan tâm của độc giả nếu đánh trúng vào tâm tư của họ. Những gì bạn viết phải chạm tới sự lo lắng, nỗi sợ hoặc niềm vui, sự hạnh phúc của độc giả. Hoặc bài viết của bạn phải giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe.
Bên cạnh đó, ý tưởng cũng phải phù hợp với độc giả mục tiêu của bạn. Ví dụ, thị trường ngách của bạn là sức khỏe trẻ em, bạn rất thích ý tưởng về tác dụng phụ của vaccine COVID-19. Tuy nhiên, trẻ em dưới 18 tuổi lại không phải đối tượng trong diện được tiêm vaccine hiện nay. Vì vậy, ý tưởng này bị chệch hướng so với độc giả mục tiêu của bạn. Thay vào đó, bạn có thể phân tích vì sao vaccine COVID-19 không được khuyến cáo tiêm cho trẻ em hoặc tại sao trẻ em mắc SARS-CoV-2 lại nhẹ hơn người lớn.
Tiếp theo, bạn sẽ cần tìm kiếm ý tưởng cho bài viết. Hãy áp dụng 7 bí quyết mà mình đã chia sẻ với bạn để không bao giờ cạn kiệt suối nguồn ý tưởng nhé!
Bước 2. Tìm đọc tài liệu sơ bộ
Tìm đọc tài liệu trước khi viết bài giúp bạn hình dung rõ ràng cách tư duy, lập luận và lên dàn ý cho bài viết. Bước tìm kiếm tài liệu này cũng cho bạn thấy mức độ mới lạ của nội dung bạn sắp sản xuất. Ý tưởng này đã được các đối thủ khác viết chưa, họ khai thác ý tưởng theo khía cạnh nào, bạn có thể đem lại điều gì mới mẻ và hữu ích hơn cho độc giả? Đó là những câu hỏi bạn cần trả lời trong quá trình tìm đọc tài liệu sơ lược này.
Tìm kiếm tài liệu ở bước này tương đối dễ. Bạn nên tìm kiếm thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Thông thường, các trang tin tiếng Anh uy tín sẽ cho bạn kiến thức còn những trang viết bằng tiếng Việt giúp bạn tiếp cận các bài viết của đối thủ. Trong bước này, bạn không cần đọc quá kỹ, chỉ cần đọc lướt các đề mục để nắm bắt ý chính. Khi đọc các trang tin bằng tiếng Anh, bạn có thể sử dụng công cụ Google Translate để hỗ trợ việc đọc lướt nhanh hơn.
Bước 3. Lập dàn ý
Bạn là người viết tùy hứng hay luôn lập dàn ý (outline) trước khi viết? Mình là kiểu người thứ hai. Mình thường dựa vào những tài liệu đã đọc lướt trong bước 2 rồi lên dàn ý chi tiết, sau đó mới bắt tay vào viết. Lập dàn ý giúp mình tư duy logic, lập luận chặt chẽ, từ đó người đọc sẽ tiếp nhận và ghi nhớ thông tin dễ dàng, nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bước này cũng nhắc nhở mình không được bỏ sót ý và tránh viết lan man, dài dòng.
Bên cạnh đó, thống nhất dàn ý với khách hàng trước khi bắt đầu viết bài rất quan trọng. Bạn sẽ đảm bảo được chất lượng nội dung, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng đồng thời tiết kiệm thời gian và công sức chỉnh sửa bài viết. Rất nhiều khách hàng yêu cầu các cây viết tự do làm việc theo quy trình này. Thậm chí, nếu khách hàng không yêu cầu, bạn cũng hãy chủ động đề nghị làm việc theo quy trình này nhé!
Bước 4. Đọc tài liệu chuyên sâu và viết
Ở bước này, bạn sẽ tìm kiếm những tài liệu chuyên sâu hơn để làm “giàu” cho bài viết của bạn. Đó có thể là những con số, nghiên cứu khoa học để chứng minh lập luận. Đó cũng có thể là lời nhận xét, bình luận của một chuyên gia nổi tiếng trong chủ đề bạn đang viết. Những thông tin chuyên sâu này là 1 trong 6 bí quyết quyến rũ độc giả.
Sau khi hoàn thành tìm kiếm tài liệu, bạn hãy bắt tay vào viết. Hãy viết liên tục, không đọc lại, không chỉnh sửa. Cứ viết hết những gì bạn nghĩ, mặc kệ lỗi chính tả, ngữ pháp hay diễn đạt. Viết liên tục giúp mạch cảm xúc, tư duy không bị ngắt quãng và bạn cũng tập trung hơn. Sau khi viết xong, bạn sẽ quay lại chỉnh sửa, biên tập sau. Phương pháp này giúp bạn viết nhanh và nhiều hơn.
Bước 5. Biên tập bài viết
Như mình đã nói ở bước 4, bạn không nên vừa viết vừa chỉnh sửa. Hãy viết một lèo rồi biên tập sau. Tại bước này, bạn hãy đọc lại bài viết và chỉnh sửa các lỗi chính tả, diễn đạt, lặp từ và cách trình bày. Bạn có thể lựa chọn và thay thế từ ngữ đắt giá hơn. Đôi khi, bạn cần phải xóa bỏ và viết lại một vài đoạn trong bài. Mình cũng sử dụng bước này để chỉnh sửa bài viết sao cho đạt điểm SEO tối ưu. Đừng bỏ qua khâu biên tập vì đây chính là công đoạn biến bài viết thô sơ thành nội dung đắt giá.
Thông thường, mình sẽ viết liên tục trong 1 ngày và ngày hôm sau quay lại chỉnh sửa. Cách này giúp đầu óc mình mới mẻ và sáng suốt hơn. Hãy chỉnh sửa tới khi bạn hài lòng và sẵn sàng xuất bản bài viết nhé! Tuy nhiên, đừng quá cầu toàn và chờ đợi một bài viết hoàn hảo, bởi “hoàn thành luôn tốt hơn hoàn hảo”.
Bước 6. Tìm kiếm và thiết kế hình ảnh
Hình ảnh minh họa giúp bài viết dễ đọc, dễ hiểu và dễ ghi nhớ. Mặt khác, hình ảnh đẹp sẽ gây chú ý và thu hút độc giả, nhất là với các bài viết trên facebook. Đầu tư hình ảnh không những nâng cao chất lượng nội dung, tăng tính hấp dẫn với độc giả mà còn khẳng định sự chuyên nghiệp của bạn.
Mình thường ưu tiên tự thiết kế hình ảnh để lột tả chính xác nội dung bài viết và đóng mác thương hiệu cá nhân. Hai công cụ mình sử dụng để chỉnh sửa và thiết kế hình ảnh là Canva và Paint. Ngoài ra, những kho ảnh miễn phí như Canva, Freepik, Pixabay, Unsplash, Pexel… cũng rất hữu ích.
Bước 7. Công khai và lan tỏa bài viết tới độc giả
Sau khi hoàn thành bài viết, điều tiếp theo bạn chắc chắn phải làm là xuất bản và công khai chúng. Việc này có khiến bạn lo lắng và sợ hãi không? Mình tin câu trả lời với nhiều người là có. Nhưng bạn thử nghĩ xem, làm sao bạn có thể xây dựng cộng đồng độc giả khi họ không biết bạn là một cây viết? Làm sao bạn tìm kiếm được khách hàng khi mọi người không biết bạn viết về chủ đề gì? Bạn không thể trở thành một cây viết nếu cứ giữ kín bài viết như những trang nhật ký.
Công khai bài viết là cách DUY NHẤT và BẮT BUỘC để bạn trở thành cây viết chuyên nghiệp. Hãy tin mình, cảm giác ấy có thể rất hồi hợp và lo sợ nhưng kết quả sẽ vô cùng ngọt ngào.
Vậy bạn có thể công khai bài viết của mình trên những nền tảng nào? Facebook cá nhân là cách dễ dàng và đơn giản nhất. Bạn có thể lập album ảnh trên trang cá nhân của mình để độc giả dễ tìm đọc. Bạn cũng có thể chia sẻ bài viết vào các hội nhóm có độc giả mục tiêu trên mạng xã hội. Ngoài ra, nếu bạn có fanpage hoặc website riêng, hãy đăng tải bài viết của bạn lên đó. Hoặc bạn cũng có thể gửi đăng nhờ các bài viết của mình trên các trang web khác, hình thức này được gọi là guest-blogging.
Bước 8. Đón nhận phản hồi
Đăng tải bài viết không có nghĩa là xong. Với người viết, sau khi xuất bản nội dung, bạn cần đón nhận phản hồi từ độc giả. Bước hậu kỳ này sẽ giúp bạn lắng nghe độc giả và cải thiện chất lượng nội dung. Những bình luận của độc giả cũng sẽ gợi mở cho bạn nhiều ý tưởng mới mẻ, hấp dẫn. Ngoài ra, việc lắng nghe độc giả cho bạn cơ hội để tự hào về những gì bạn đã làm được. Vì thế, hãy mở rộng đôi tai và tâm hồn để đón nhận phản hồi từ những người đọc của bạn nhé!
Tuy nhiên, bạn không nên quá bận tâm tới số lượt thả tim hay chia sẻ, bình luận của độc giả. Lượt tương tác chưa chắc đã phản ánh chính xác chất lượng bài viết vì phụ thuộc vào thời điểm đăng bài và chính sách của facebook. Hơn nữa, đã là người viết thì dù ít hay nhiều like, bạn vẫn phải viết và tiến lên mỗi ngày. Vì vậy, thay vì đong đếm lượt tương tác của độc giả, bạn hãy dành thời gian luyện viết và đầu tư sáng tạo nội dung chất lượng hơn.
Có thế nào, công việc của bạn vẫn là viết và đem lại giá trị hữu ích cho độc giả. Hãy tin vào điều đó!
Vậy là mình đã giới thiệu cho bạn 8 bước để sáng tạo nội dung về sức khỏe. 8 bước này sẽ theo suốt bạn trong quá trình hành nghề. Tuy nhiên, rất khó để bạn thành thạo quy trình này ngay lập tức. Điều quan trọng là bạn luyện tập chăm chỉ và cố gắng tiến bộ hơn mỗi ngày.