Hành trang trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe

Newbie Writer Phát triển sự nghiệp viết lách

Nếu bạn là sinh viên Y và bạn muốn viết – Bác sĩ có viết được không?

Thời điểm mình quyết định từ bỏ công việc lâm sàng để trở thành cây viết tự do, rất nhiều thầy cô nói với mình rằng: “Mình là bác sĩ, làm sao viết được như dân Ngoại thương, Báo chí hả em”. Bạn nghĩ sao, liệu bác sĩ có viết được không? Lúc đó và ngay cả bây giờ, mình đều không ủng hộ quan điểm này. Arthur Conan Doyle gắn bó với màu áo blouse 18 năm trước khi tạo nên series trinh thám lừng danh Sherlock Holmes. Watanabe Dzunichi và Natsukawa Sosuke vừa làm bác sĩ vừa viết tiểu thuyết tại xứ sở hoa anh đào. Vì vậy, mình tin mình có thể viết và mình biết bác sĩ cũng cần viết.

Nhìn lại 7 năm học Y và 2 năm làm công việc viết lách, mình nhận ra rất nhiều anh chị, bạn bè trong nghề Y có năng khiếu hoặc mong muốn viết. Có người muốn viết để chia sẻ kiến thức hữu ích với cộng đồng. Có người lại sử dụng viết để xây dựng thương hiệu cá nhân cũng như sự tin tưởng của khách hàng mục tiêu. Nhưng cũng có người chỉ đơn thuần muốn viết để trải lòng và kể cho độc giả nghe những câu chuyện rất thật, rất chạm về màu áo blouse.

Nhu cầu này ngày càng lớn và mình tin sẽ còn mạnh mẽ, phổ biến hơn nữa. Tuy nhiên, sự thật không phải nhân viên y tế nào viết cũng tốt. Và muốn viết về lĩnh vực sức khỏe phải cần nhiều điều hơn chỉ là kiến thức khoa học rõ ràng, thô cứng.

Mình viết bài này dưới góc độ của một người học Y và đã chuyển hướng công việc sang viết lách. Mình sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn mối quan hệ khăng khít giữa hai nghề dường như chẳng liên quan này. Sau đó, mình sẽ chỉ cho bạn lợi thế và yếu điểm của người chiến sĩ áo trắng khi cầm bút cũng như cách khắc phục để viết tốt hơn.

Vì sao sinh viên Y cần viết?

Học tập và nâng cao trình độ chuyên môn

Khi làm việc trong môi trường Y khoa, bạn cần viết luận văn, luận án, đề tài, báo cáo khoa học, bài giảng và thậm chí là sách chuyên ngành. Đó là cách bạn học tập, khẳng định và nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân. Bệnh tật luôn biến đổi không ngừng và cách tốt nhất để bạn đối phó với tốc độ đổi thay chóng mặt này chính là liên tục củng cố kiến thức. Đây là vai trò gần gũi và dễ nhìn thấy nhất của viết với nghề Y.

Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân và cộng đồng

Nếu lời nói chỉ thoáng qua vài giây, vài phút thì kiến thức truyền đạt qua chữ viết có thể lưu lại lâu hơn. Bên cạnh đó, có một sự thật là thời gian tiếp xúc trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân quá ít ỏi, những lời khuyên về sức khỏe chưa được chú trọng nhiều trên lâm sàng. Mặt khác, giáo dục sức khỏe bằng lời nói thường giới hạn số lượng người tiếp cận. Trong khi đó, những bài viết chia sẻ kiến thức về sức khỏe có thể lan truyền tới hàng triệu người thông qua truyền thông và mạng xã hội.

Bác sĩ có viết được không

Xây dựng thương hiệu cá nhân

Nghe thật thương mại hóa nhưng tin mình đi, viết để xây dựng thương hiệu cá nhân cho bác sĩ chẳng có gì sai. Phương thức này đang và sẽ là xu hướng của hàng triệu bác sĩ Việt Nam trong tương lai, nhất là những người muốn tìm kiếm nguồn thu nhập bên ngoài bệnh viện.

Bạn cũng đừng vội vàng phản đối rằng chỉ có bệnh nhân cần bác sĩ chứ bác sĩ không cần chủ động tìm kiếm bệnh nhân. Bệnh nhân là khách hàng, họ có quyền lựa chọn người chăm sóc tài sản quý giá mang tên sức khỏe. Một bác sĩ giỏi cần chuyên môn và đạo đức tốt. Nhưng một bác sĩ “không nghèo” chắc chắn cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá nhân đáng tin cậy.

Vậy làm sao để bệnh nhân biết đến bạn nhanh nhất? Làm sao để bệnh nhân tin tưởng và lựa chọn bạn giữa hàng ngàn bác sĩ ngoài kia? Viết sẽ giúp bạn làm được điều đó. Những nội dung chia sẻ kiến thức hữu ích cho khách hàng sẽ giúp bạn xây dựng lòng tin và nâng cao thương hiệu cá nhân. Viết và sáng tạo nội dung là cách để bạn truyền thông tiếp thị bản thân hiệu quả và vững bền nhất.

Viết để sống an nhiên hơn

Mình quen nhiều anh chị học Y có khả năng viết tốt. Không chỉ viết báo, viết luận mà kỹ năng kể chuyện và truyền đạt cảm xúc rất tuyệt vời. Bạn đừng nghĩ rằng cứ học Y là khô khan, chai sạn. Mình tin mỗi nhân viên y tế đều có tâm hồn nghệ sĩ, chỉ là bộc lộ theo cách này hay cách khác mà thôi.

Viết với bác sĩ đôi khi đơn giản chỉ để chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm tại nơi sự sống và cái chết quá đỗi mong manh, cận kề. Viết là để trải lòng, thấu hiểu và trân trọng cuộc sống hơn. Cuốn sách Để yên cho bác sĩ hiền của thầy Ngô Đức Hùng hoặc Lạc quan gặp niềm vui ở quán nỗi buồn của anh Dương Minh Tuấn chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Lợi thế của người học Y khi viết

Sau hơn 1 năm quan sát và làm việc với nhiều cây viết về sức khỏe không được đào tạo bài bản trong môi trường Y khoa, mình nhận thấy rất nhiều lợi thế của nền tảng Y học khi sáng tạo nội dung về sức khỏe.

Khi là nhân viên y tế, bạn có nhiều năm học tập và làm việc trong lĩnh vực Y học, tức là bạn có kiến thức chuyên môn dày dặn. Bạn dễ dàng tiếp cận và sử dụng thành thục thông tin chuyên ngành để sáng tạo nội dung. Mạch tư duy trong bài viết của bạn cũng logic và khoa học hơn. Nhờ đó, niềm tin của độc giả dành cho bạn cũng mạnh mẽ và vững bền hơn.

Lợi thế của sinh viên Y khi viết lách

Bên cạnh đó, công việc lâm sàng cho bạn cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân. Bạn được lắng nghe những thắc mắc, băn khoăn của họ. Đó là nguồn ý tưởng tuyệt vời để bạn sáng tạo những nội dung thu hút, đánh trúng tâm lý độc giả. Trong truyền thông tiếp thị, điều này được gọi là insight của khách hàng. Bác sĩ chính là người dễ dàng tiếp cận và tìm thấy insight của bệnh nhân, cộng đồng nhất.

Mặt khác, những trải nghiệm khi tiếp xúc với khổ đau, bệnh tật, nghèo khó, cô đơn của bệnh nhân và gia đình tại bệnh viện sẽ đưa lại cho bạn tư liệu viết bài sâu sắc mà không một người viết nào có thể có được. Sự thấu hiểu và đồng cảm trong mỗi bài viết chính là bí quyết gắn kết thật chặt bạn với độc giả.

Sai lầm phổ biến khi viết của bác sĩ

Bác sĩ có nhiều lợi thế khi viết như vậy nhưng vì sao những cây viết về sức khỏe như mình vẫn có đất dụng võ và thậm chí ngày càng phát triển? Bác sĩ có kiến thức chuyên môn, có bằng cấp và đó là lý do bạn được gọi là chuyên gia y học. Nhưng sự thật không phải nhân viên y tế nào cũng có khả năng viết tốt. Đó là lý do bạn cần chúng mình – những cây viết chuyên nghiệp về sức khỏe. Chúng mình sẽ giúp bạn diễn đạt ý tưởng, chau chuốt câu chữ, chúng mình sẽ là cầu nối giữa chuyên gia y học và người dân.

Hạn chế phổ biến của nhiều bác sĩ khi chia sẻ kiến thức cho cộng đồng là vướng vào cái bẫy khoe khoang kiến thức. Những thuật ngữ Y học khó hiểu không được chuyển biến trở nên đơn giản và gần gũi hơn. Lối diễn đạt mang tính hàn lâm, học thuật khiến độc giả khó hiểu và hình dung.

Khi viết, điều quan trọng bạn cần xác định là độc giả của bạn là ai. Nếu bạn viết luận, viết báo cáo khoa học cho đồng nghiệp, sinh viên Y thì ngôn từ học thuật rất phù hợp. Nhưng nếu đối tượng bạn muốn hướng tới là người dân thì phong cách diễn đạt phải gần gũi, dễ hiểu và dễ ghi nhớ.

Sự thành công của một bài viết không được đánh giá dựa trên khối lượng kiến thức hay bằng cấp được phô diễn mà phải giúp người đọc thông minh hơn. Đọc bài viết của bạn, các bậc phụ huynh thấy sáng suốt khi cho con đi tiêm phòng chứ không bài trừ vacxin. Sau khi thấu hiểu nội dung bạn truyền đạt, độc giả cảm thấy thông thái khi tuân thủ điều trị chứ không cúng bái và dùng thuốc nam để đẩy lùi ung thư. Đó chính là sự thành công một cây viết cũng như một bác sĩ.

Giải pháp giúp dân Y viết tốt hơn

Lời khuyên của mình để bạn viết tốt hơn là biết địch biết ta và luyện tập nhiều hơn.

Biết địch biết ta – Trăm trận trăm thắng

Bạn phải nhìn thấy nhược điểm của bản thân để tìm cách cải thiện. Nếu bạn vướng phải cái bẫy khoe khoang kiến thức, hãy dừng lại và ghi nhớ độc giả của bạn là ai. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng, hãy kêu gọi sự trợ giúp từ những cây viết chuyên nghiệp. Họ sẽ giúp bạn, đơn giản vì đó là chuyên môn của họ chứ không phải do bạn kém cỏi.

Viết, viết nữa, viết mãi

Khi làm nghề Y, bạn phải “Học, học nữa, học mãi” bởi kiến thức Y khoa luôn cập nhật và đổi mới từng ngày. Viết cũng vậy. Để viết tốt hơn, chẳng có cách nào khác ngoài luyện tập và không ngừng luyện tập. Hãy sắp xếp thời gian và quyết tâm ngồi xuống để viết vào mỗi cuối tuần hoặc sáng sớm trước khi đi làm. Bạn cũng có thể tranh thủ viết trên chính chiếc điện thoại của mình khi di chuyển trên ô tô, trong giờ nghỉ trưa hoặc lúc chờ con tan học. Đừng quá đề cao năng khiếu bẩm sinh, bạn hoàn toàn có thể viết tốt, chỉ cần chăm chỉ và kiên trì.

Dù bạn làm công việc gì trong nghề Y, dù bạn viết vì mục đích gì, mình mong bạn hiểu được giá trị của việc viết, nhất là viết để truyền tải kiến thức sức khỏe. Chúc bạn thành công trong công việc Y học và viết ngày càng tốt hơn.

About the Author

Hạnh Trang

Hạnh Trang là cây viết tự do trong lĩnh vực sức khỏe, đồng thời là người sáng lập Cộng đồng cây viết về sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *