Trong 14 ngày tổ chức thử thách viết trong Cộng đồng cây viết về sức khỏe, mình đã làm việc với hơn 30 cây viết, đọc 444 nội dung về sức khỏe và viết không dưới 5000 từ mỗi ngày, bao gồm chủ đề thử thách, bài viết mẫu và góp ý cho từng thành viên. Song song với đó, mình vẫn viết bài cho 2 website cá nhân, 3 khách hàng dài hạn và đóng góp nội dung cho 1 cộng đồng làm cha mẹ.
Nếu bạn hỏi cảm xúc của mình sau hai tuần đó là gì thì chắc chắn mình sẽ trả lời ngay là “căng não”. Không chỉ phải hoàn thành khối lượng công việc nhiều gấp đôi, gấp ba mọi người, mình còn phải xử lý việc cá nhân và gia đình. Chính vì vậy, thử thách đã tiêu tốn khá nhiều năng lượng của mình. Mình luôn có cảm giác mệt mỏi, tốc độ đọc giảm chậm, đầu óc căng như dây đàn và không thể đặt bút viết.
Đã bao giờ bạn có cảm giác giống như mình chưa? Có khi nào mức năng lượng của bạn chạm đáy hoặc bạn cứ chìm sâu trong sự chán nản, bế tắc, tưởng chường không thể thoát ra? Nếu câu trả lời của bạn là có thì hãy tin mình đi, bạn không hề cô đơn, chắc chắn đấy.
Mục lục bài viết
Vì sao bạn mệt mỏi, chán nản và kiệt sức với con chữ?
Bạn có thể rơi vào biển sâu kiệt sức khi phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm và công việc. Trong trường hợp này, lúc nào bạn cũng cảm thấy thiếu thốn thời gian, giống như ai đó đã đánh cắp 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày của bạn vậy. Cơ thể không được nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng tựa như chiếc điện thoại chỉ còn 5% pin: chậm chạp và dần dần sập nguồn, tắt ngúm.
Mặt khác, bộ não của bạn cũng có thể bị những cảm xúc tiêu cực lấp đầy khi công việc không thuận lợi. Bạn không được khách hàng đánh giá đúng mức, con chữ của bạn không được trả lương xứng đáng hoặc bạn không thể hoàn thành mục tiêu dù đã cố gắng hết sức. Lúc này, phức cảm thất vọng, chán nản, tự ti sẽ phủ vây và trói buộc bạn.
Làm sao để phát hiện bạn đang kiệt sức?
Không khó để phát hiện ra trạng thái mệt mỏi, kiệt sức ở người viết. Hãy dừng lại và lắng nghe bản thân, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra cảm giác mệt mỏi, buồn chán, thiếu năng lượng hoặc dễ nổi cáu. Bạn không muốn và không thể đặt bút viết. Bạn sợ hãi khi nhìn thấy tin nhắn của khách hàng, đồng nghiệp nhưng vẫn thờ ơ với deadline. Dường như mọi đam mê và quyết tâm với con chữ trước đây đều “không cánh mà bay”.
Vượt qua cảm giác kiệt sức với con chữ
Sự thật là nếu không thể vượt qua những cảm xúc tiêu cực này, bạn sẽ ngừng viết và phải dừng bước trên hành trình viết lách chuyên nghiệp. Vậy phải làm sao khi người viết bỗng chán viết? Cùng quay lại câu chuyện kiệt sức trong thử thách 14 ngày viết về sức khỏe của mình.
Mình bắt đầu nhận ra bản thân phải làm việc quá sức sau tuần đầu tiên của thử thách. Tuy nhiên, mình chẳng thể buông bỏ vì chính mình là người khởi xướng và mình buộc phải là người dẫn dắt trong 7 ngày tiếp theo. Vậy mình đã làm gì để gắng gượng tới cùng?
Bước 1. Chấp nhận những cảm xúc tiêu cực là bình thường
Trước đây, khi từng làm công việc full-time tại bệnh viện, mình luôn trong trạng thái mệt mỏi và làm việc hời hợt. Lúc đó, mình đổ lỗi rằng bản thân không được làm công việc yêu thích, không được sống với đam mê nên mới như vậy. Nhưng sau này, khi được bơi nhảy cùng con chữ như mình hằng khao khát, những cảm xúc tiêu cực như vậy vẫn thỉnh thoảng xuất hiện và bủa vây mình.
Mình nhận ra, hóa ra công việc nào cũng “bóc lột” bạn theo một cách nào đó. Không là thời gian thì cũng là sức lực thể chất hoặc trí não. Và đổi lại, bạn “giàu có” hơn khi có thêm tiền bạc, vị thế trong xã hội, niềm hạnh phúc, tự hào hoặc sự công nhận của mọi người. Có chăng điều khác biệt giữa công việc trong mơ và công việc phải làm là bạn sẵn lòng đánh đổi và lựa chọn sống như vậy.
Vì thế, bạn đừng né tránh những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Hãy chấp nhận rằng chắc chắn sẽ có lúc bạn mệt mỏi, kiệt sức và chán nản với con chữ. Đơn giản vì cuộc đời không thể lúc nào cũng vui và ngập tràn năng lượng tích cực được. Thay vào đó, chúng mình hãy tìm cách đối diện và vượt qua giai đoạn “trầm cảm” này.
Bước 2. Nghỉ ngơi để phục hồi năng lượng
Bạn có thể cho bản thân nghỉ ngơi vài tiếng, vài ngày, thậm chí vài tuần, tùy theo mức độ kiệt sức và khối lượng công việc của bạn. Nói nhỏ nhé, đã có những ngày mình đã tắt thông báo từ facebook, zalo và thưởng cho bản thân vài tập phim hoặc các chương trình thực tế nhẹ nhàng. Cũng có khi mình nằm lì trên giường và ngủ nhiều hơn. Tạm thờ ơ với deadline, tạm buông thả, nuông chiều bản thân để tinh thần và thể chất được phục hồi là biện pháp hiệu quả với mình trong giai đoạn “tụt mood”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dọn dẹp nhà cửa, viết nhật ký, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc hoặc đi du lịch ngắn ngày cùng bạn bè, gia đình. Đây chính là khoảng thời gian để bạn tranh thủ hiện thực hóa những hoạt động mà bạn yêu thích nhưng chưa có hoặc ít có cơ hội thực hiện.
Bước 3. Sắp xếp lại công việc
Sau khi đã sạc pin lại cho cơ thể, mình sẽ sắp xếp lại công việc và xác định đâu là những việc cần tập trung, xử lý trước. Biện pháp này giúp mình hoàn thành những công việc quan trọng hơn, tránh tạo thêm áp lực tinh thần và thể chất cho bản thân.
Bước 4. Quay lại làm việc với tốc độ chậm rãi, tăng dần
Bước cuối cùng, mình sẽ bắt đầu quay lại vòng xoay công việc với những bước đi thật chậm và từ tốn để không bị quá sức. To-do-list hàng ngày ngắn lại, hạn chế thời gian làm việc, xen kẽ với đó là vận động thể lực và trò chuyện cùng bạn bè, gia đình… Sau dần, mình sẽ tăng dần tốc độ và đuổi kịp chính mình trước đây.
Đừng lo lắng nếu bạn dừng lại và bước chậm hơn một vài ngày. Bạn hoàn toàn có thể cho bản thân nghỉ ngơi để đi được xa hơn. Vì vậy, đừng để một vài ngày mệt mỏi, kiệt sức hay chán nản đánh đổ toàn bộ công sức từ trước đến nay của bạn nhé!