Đã bao giờ bạn bối rối và nhẫm lẫn giữa “trau chuốt” và “chau chuốt” chưa? Có khi nào bạn đau đầu, chán nản trước những đoạn văn sai chính tả với dấu câu lộn xộn? Muốn viết hay, chúng ta – những cây viết – phải viết đúng trước đã. Do đó, nếu bạn mong muốn trở thành người viết chuyên nghiệp, đừng vội vàng học những kỹ thuật viết cao siêu. Trước hết, hãy thuộc lòng những quy tắc tiếng Việt sau đây.
Mục lục bài viết
Đặt dấu câu
Đây là lỗi sai chính tả phổ biến nhất ở các cây viết mới. Bạn đừng vội vàng coi nhẹ những dấu câu nhỏ bé này. Chúng sẽ góp phần thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn thận và chuyên nghiệp trong bài viết của bạn đó.
Tiếng Việt có tổng cộng 16 dấu, trong đó có 10 dấu câu, bao gồm: dấu cách ! ( ) , . : ; ? [ ] { } “ ” … Bạn nên chú ý tới ngữ nghĩa của câu để sử dụng dấu câu phù hợp. Ví dụ:
- Viết đúng: Bạn thường đau đầu vì không biết cuối tuần sẽ đi đâu, làm gì.
- Viết sai: Bạn thường đau đầu vì không biết cuối tuần sẽ đi đâu? Làm gì?
Đây là câu miêu tả, không có ý hỏi đáp. Vì thế, bạn cần sử dụng dấu chấm chứ không phải dấu hỏi.
Các dấu phẩy, chấm, chấm than, chấm phẩy, dấu hỏi, hai chấm đứng sát với nội dung phía trước và có khoảng cách với nội dung phía sau. Ví dụ:
- Viết đúng: Anh về muộn thế! Anh đã đi đâu?
- Viết sai: Anh về muộn thế !Anh đã đi đâu ?
Đối với dấu ngoặc, nội dung đứng sát cả ngoặc mở và ngoặc đóng. Ví dụ:
- Viết đúng: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “Mặc kệ tôi”
- Viết sai: Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ), “ Mặc kệ tôi ”
Khi sử dụng dấu gạch ngang, cần có khoảng trống cả trước và sau dấu. Ví dụ:
- Viết đúng: 2 – 3 tuổi, Bác sĩ Lê Anh Khoa – Trưởng khoa Gan mật
- Viết sai: 2-3 tuổi, Bác sĩ Lê Anh Khoa- Trưởng khoa Gan mật
Bạn cần phân biệt dấu gạch ngang và dấu gạch nối. Gạch nối không phải là dấu câu. Dấu gạch này được sử dụng trong các từ mượn tiếng nước ngoài, sau đó được phiên âm ra tiếng Việt với nhiều âm tiết. Ví dụ: Ru-dơ-en, I-rê-na… Tuy nhiên, hiện nay, các dấu gạch nối ít được sử dụng.
Ngoài ra, không có dấu gạch dưới _ trong các văn bản tiếng Việt.
Số đếm
Khi bạn tìm đọc các nghiên cứu khoa học của nước ngoài, bạn sẽ thấy họ dùng dấu chấm để phân cách số nguyên và phần thập phân. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, dấu phẩy mới là dấu câu chính xác được sử dụng. Ví dụ:
- Viết đúng: 3,14
- Viết sai: 3.14
Đơn vị
Giữa số và đơn vị luôn có dấu cách, trừ trường hợp % viết liền với số liệu vì đây không phải đơn vị mà là kí hiệu của phép toán tỉ lệ. Bạn có thể viết tắt các đơn vị đo lường như km (kilomet), kg (kilogram), h (giờ). Ví dụ:
- Viết đúng: 10 kg, 25 cm, 50%
- Viết sai: 10kg, 25cm, 50 %
Ngày tháng năm
Có nhiều cách viết ngày tháng năm trong tiếng Việt. Bạn có thể lựa chọn một trong những cách viết sau đây:
- Viết dạng dài: Thứ hai, ngày 15 tháng 6 năm 2009
- Viết dạng ngắn: 15/6/2009 hoặc 15/06/2009 hoặc tháng 6/2009
Viết hoa
Một lỗi sai chính tả cũng rất phổ biến khi viết là viết hoa. Bạn cần viết hoa chữ cái đầu tiên trong các trường hợp sau:
- Sau các dấu chấm, chấm than, chấm hỏi.
Ví dụ: Cậu muốn uống gì? Nước chanh được không?
- Tên riêng của người, địa danh, cơ quan, tổ chức.
Ví dụ: Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ, hồ Hoàn Kiếm…
- Chữ cái đầu trong âm tiết của các thành tố chỉ tên loại, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.
Ví dụ: Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…
Lưu ý: tên chức vụ, học vị chung không viết hoa: tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, tiến sĩ, đại sứ…
Trích dẫn câu thoại
Trích dẫn câu thoại rất cần thiết với dạng bài kể chuyện, tiểu thuyết. Bạn có thể viết câu thoại theo một trong hai cách dưới đây.
- “Anh yêu em.” Tôi nói.
- – Anh yêu em. – Tôi nói.
Kiểm tra lỗi chính tả
“Bác sĩ” hay “bác sỹ’, “giãn cơ” hay “dãn cơ”, “tham quan” hay “thăm quan’… Thật bối rối trước những cụm từ dễ nhầm lẫn vậy. Tất nhiên, có những quy tắc để bạn phân biệt những cụm từ này như quan sát nguyên âm, âm đệm hoặc từ thuần Việt, Hán Việt. Nhưng với mình, những quy tắc này thật sự khó nhớ. Do đó, mình thường sử dụng công cụ Wiktionary và Google để kiểm tra lỗi chính tả.
Wiktionary là từ điển tiếng Việt với gần 250.000 từ. Cách sử dụng rất đơn giản, bạn chỉ cần gõ từ cần tìm kiếm vào thanh công cụ. Nếu từ đó đúng chính tả, bạn sẽ xem được cách phiên âm, loại từ (động từ, danh từ, tính từ…) và ý nghĩa của từ đó. Còn nếu từ bạn tìm không chính xác, trang kết quả sẽ hiển thị “Không tìm thấy”.
Với Google, mình thường tìm kiếm bằng cách gõ hai từ hoặc cụm từ phân vân lên thanh công cụ, chẳng hạn, “thăm quan hay tham quan”. Sau đó, Google sẽ hiển thị rất nhiều website giải thích và phân biệt ý nghĩa của những cụm từ này. Rất đơn giản, tiện lợi và không cần ghi nhớ quá nhiều quy tắc đúng không?
Viết câu đúng ngữ pháp
Vậy là bạn đã nắm được những quy tắc chính tả để viết đúng từ, cụm từ rồi. Tuy nhiên, để kết nối các từ, cụm từ thành một câu văn hoàn chỉnh thì bạn cần phải lưu ý thêm về ngữ pháp tiếng Việt.
Thông thường, bạn cần viết một câu có đầy đủ chủ ngữ và vị ngữ để đảm bảo quy tắc ngữ pháp của tiếng Việt.
Ví dụ: Ngày mai, anh ấy sẽ tới thăm tôi. Trong đó, “anh ấy” là chủ ngữ, “sẽ tới thăm tôi” là vị ngữ.
Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, bạn có thể lược bỏ chủ ngữ. Ví dụ:
- “Muốn về chưa?” Chủ ngữ là người đối thoại.
- “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” Chủ ngữ chung chung, ám chỉ con người.
Nếu yêu thích ngôn ngữ mẹ đẻ hoặc muốn “xòa mù tiếng Việt”, bạn có thể tìm hiểu thêm về Nguyên tắc chính tả và Quy tắc ngữ pháp tiếng Việt nhé!