Trước tiên, mình muốn kể cho bạn nghe câu chuyện tìm kiếm khách hàng trên hành trình làm nghề freelancer và có được thu nhập hơn $400 chỉ trong 10 ngày của mình.
Khách hàng này là một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Thái Lan. Họ đã đăng tin tuyển dụng trên Upwork (một nền tảng tìm việc cho freelancer của Mỹ) rằng họ muốn hợp tác với các chuyên gia sức khỏe tại Việt Nam để biên dịch và kiểm duyệt nội dung về sức khỏe thai kỳ. Mục đích của họ là đưa ứng dụng chăm sóc sức khỏe mẹ và bé hàng đầu của Thái Lan sang thị trường Việt Nam vào năm 2024.
Mình đã ứng tuyển công việc này trên Upwork nhưng sau vài ngày, mình vẫn không nhận được hồi âm. Nhưng vì thực sự thích và tin rằng bản thân có thể làm tốt, mình quyết định gửi email trực tiếp cho khách hàng.
Trong email, mình trình bày rằng mình thấy tin tuyển dụng trên Upwork và đã ứng tuyển nhưng chưa được hồi đáp nên mình muốn liên lạc trực tiếp với họ. Mình giới thiệu mình là bác sĩ nhi khoa đồng thời là cây viết tự do trong lĩnh vực sức khỏe mẹ và bé. Sau đó, mình thuyết phục họ rằng mình là “ứng viên không thể bỏ lỡ” đồng thời thể hiện khao khát được hợp tác cùng họ.
Sau vài ngày, mình nhận được email hồi âm của khách hàng. Như bạn thấy, họ nói rằng họ rất tiếc vì đã tuyển được ứng viên phù hợp với công việc trên. Tuy nhiên, họ thấy mình là ứng viên tiềm năng và họ muốn đề xuất cho mình một công việc phù hợp hơn, đó là biên dịch và kiểm duyệt nội dung về sức khỏe trẻ em. Vị trí này họ chưa hề đăng tin tuyển dụng trên Upwork.
Đó chính là khởi đầu cho hành trình hợp tác giữa mình và khách hàng này với hợp đồng làm việc đầu tiên trị giá hơn $400 kéo dài trong 10 ngày. Tới nay, mình và họ đã làm việc cùng nhau hơn 8 tháng với mức nhuận bút vô cùng tốt, có tháng thu nhập của mình từ khách hàng này lên tới vài chục triệu đồng.
Mình kể câu chuyện này không phải để khoe khoang mà mình muốn chia sẻ với bạn một bí quyết để làm nghề freelancer thành công: CHỦ ĐỘNG.
Mục lục bài viết
Vì sao chủ động là bí quyết sống còn khi làm nghề freelancer?
Nếu mình không chủ động gửi email cho khách hàng thì sao? Sẽ thế nào nếu mình thấy thời gian đăng tin tuyển dụng là vài ngày trước mà cứ thế bỏ qua vì nghĩ rằng khách hàng đã tìm được ứng viên phù hợp?
Chắc chắn rồi, mình sẽ không có được thu nhập tốt, ổn định và khách hàng chất lượng, dài hạn. Mình sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển sự nghiệp và tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giá. Và mình sẽ vẽ thêm một nét vào danh sách công-việc-ứng-tuyển-không-thành-công. Đó chính là lý do bạn cần CHỦ ĐỘNG, 1 trong 5 thái độ mà cây viết tự do cần có để sống tốt với nghề này.
Vậy làm thế nào để bạn trở thành người viết và người làm việc tự do chủ động hơn? Câu trả lời của mình chính là…
Thực hành bí quyết chủ động để sống đời tự do thành công
Chủ động nghiên cứu khách hàng
Khi làm nghề freelancer, bạn nên chủ động nghiên cứu khách hàng thật kỹ chứ đừng rải đơn ứng tuyển muôn nơi. Hãy tìm hiểu xem khách hàng là ai, họ cần gì ở ứng viên và bạn có thể đem lại những lợi ích gì cho họ. Như trong câu chuyện trên, mình đã nhấn mạnh 3 lợi thế của bản thân để chinh phục khách hàng:
- Nền tảng y học để hiểu và dịch chính xác ngôn ngữ chuyên ngành sức khỏe
- Kinh nghiệm viết và làm việc với nhiều khách hàng trong lĩnh vực mẹ và bé
- Ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt giúp chuyển ngữ mượt mà, khéo léo
Chủ động tìm kiếm cách thức liên hệ với khách hàng
Chủ động là khi bạn biết cách tìm kiếm phương thức liên hệ trực tiếp với khách hàng. Hãy tìm email của khách hàng trên website của họ chứ đừng chỉ ứng tuyển trên các nền tảng tuyển dụng. Hãy cố gắng tiếp cận với biên tập viên của tòa soạn hoặc content manager/ leader của doanh nghiệp bằng công cụ tìm kiếm của facebook. Hoặc bạn có thể nhắn tin cho fanpage của khách hàng để hỏi cách thức liên hệ với bộ phận mà bạn mong muốn làm việc cùng.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Chủ động còn là khi bạn biết cách nắm bắt cơ hội. Đừng chỉ bình luận “Cho mình xin JD” hoặc “Công việc này còn tuyển không?” bên dưới những tin tuyển dụng. Hãy viết một tin nhắn thật lịch sự, hãy soạn một email thật chuyên nghiệp để tiếp cận khách hàng. Có như vậy bạn mới thể hiện được sự chuyên nghiệp và cầu tiến của bản thân.
Đây là cấu trúc mà mình thường sử dụng khi viết email tiếp cận khách hàng:
- Lời chào mở đầu
- Giải thích lý do mình gửi email này
- Giới thiệu bản thân
- Trình bày lợi thế để chứng minh mình là ứng viên phù hợp
- Thể hiện khao khát hợp tác
- Lời cảm ơn và tạm biệt
Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ
Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ. Một học viên từng gửi cho mình “đơn xin học” dài hơn 2 trang A4 để giới thiệu bạn ấy là ai, lý do bạn ấy muốn trở thành cây viết về sức khỏe và vì sao bạn ấy muốn tham gia khóa học Mentoring 1:1 cùng mình.
Dù lúc đó mình đã tạm dừng các khóa dạy viết để tập trung hoàn thành chương trình thạc sĩ, mình vẫn không thể kiềm lòng và ngay lập tức gật đầu đồng ý. Và cho dù bạn ấy khẳng định có đủ khả năng chi trả toàn bộ học phí, mình vẫn tặng bạn ấy mã giảm giá 25% vì mình nhìn thấy niềm khao khát mãnh liệt và tiềm năng thành công của học viên.
Vì vậy, nếu bạn muốn sống tốt với nghề viết tự do, hãy chủ động tìm kiếm và nắm bắt cơ hội. Còn nếu bạn muốn biết 4 thái độ còn lại mà cây viết tự do cần có là gì cũng như được hướng dẫn cách tìm kiếm khách hàng chất lượng để có được thu nhập tốt, hãy tham gia khóa học Có được thu nhập đầu tiên từ nghề viết về sức khỏe cùng mình.