Gần 2 năm trước, trong bài viết Có nên lựa chọn viết lách tự do, mình từng khẳng định rằng không cần bằng cấp về viết lách hay sức khỏe để trở thành cây viết chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu theo dõi mình, hẳn bạn biết rằng trong năm vừa qua, mình đã quay lại bệnh viện và hoàn thành nốt chương trình Thạc sĩ.
Liệu có phải sau 1 năm lăn lộn với con chữ, suy nghĩ của mình đã khác đi? Liệu tấm bằng chính quy có thực sự quan trọng để bạn bắt đầu và tăng tốc trên sự nghiệp viết về sức khỏe? Đây là quan điểm của mình cũng như lý do vì sao mình quyết định lấy tấm bằng Thạc sĩ.
Mục lục bài viết
Bạn không cần bằng cấp để bắt đầu viết lách tự do
Dù là bây giờ hay 2 năm trước, mình vẫn sẽ khẳng định như vậy. Để trở thành cây viết tự do về sức khỏe, bạn không cần bằng cấp về viết lách hay sức khỏe. Tức là bạn không phải xuất thân từ học viện báo chí hay đại học y dược để kiếm được tiền từ con chữ.
Minh chứng là trong 2 năm làm việc tự do, chưa có khách hàng nào hỏi mình về bằng cấp hay từ chối mình vì học vấn. Mình tin rằng với viết lách tự do, chất lượng công việc và thái độ làm việc mới là yếu tố tiên quyết.
Khi tiếp cận với khách hàng, điều quan trọng không phải danh sách kinh nghiệm, bằng cấp hay học vấn mà là bạn chứng minh được năng lực, sự khác biệt của bản thân và những lợi ích mà bạn có thể đem đến cho khách hàng.
Nhiều cây viết dù có nền tảng về viết lách vẫn khiến khách hàng lắc đầu ngao ngán. Nhiều CV đẹp “không có điểm nào chê” vẫn bị từ chối. Đây cũng chính là lý do mà nhà tuyển dụng thường yêu cầu bạn viết bài test hoặc muốn tham khảo bài bạn từng viết trước khi quyết định hợp tác.
Nếu bạn chưa từng học trường báo chí hay y dược, đừng nản lòng, hãy cứ vững tin, bạn vẫn có thể làm được công việc này!
Nhưng tấm bằng dấu đỏ sẽ giúp bạn sống tốt hơn với sự nghiệp tự do
Có nhiều kiểu người viết khác nhau. Có người chỉ sống và kiếm tiền bằng con chữ, chẳng hạn như tiểu thuyết gia, cây viết cung cấp dịch vụ viết cho khách hàng. Có người lại sử dụng con chữ là công cụ để thu hút và bán các sản phẩm, dịch vụ của bản thân.
Mình là kiểu người viết thứ hai. Mình có thể viết và cung cấp dịch vụ viết cho khách hàng nhưng đó không phải đích đến cuối cùng. Mình muốn tự phát triển và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ như khóa học, ebook, chương trình tư vấn 1:1… Nguyên nhân là bởi:
Thứ nhất, mình cảm thấy mệt mỏi khi phải viết liên tục và viết quá nhiều trong thời gian dài. Mình từng rơi vào trạng thái kiệt sức khi làm việc với 3 khách hàng cùng lúc và viết 4.000 – 5.000 từ mỗi ngày. Mình cũng cảm thấy mất thời gian và cạn kiệt năng lượng khi phải tìm kiếm, tiếp cận khách hàng mới và “giục” nhuận bút với những dự án ngắn hạn.
Thứ hai, mình muốn chủ động và độc lập về nguồn thu của bản thân. Với công việc viết lách tự do, thu nhập không ổn định là điều dễ hiểu. Cho dù bạn có khách hàng trung hành vẫn không thể tránh khỏi tình huống “tháng này nhiều khách, tháng kia ít khách”. Thậm chí, dù có khách hàng cố định, khối lượng công việc mà khách hàng thuê bạn trong từng tháng cũng khác nhau. Trong những dịp cao điểm, bạn phải chạy deadline hết công suất. Nhưng những tháng ít khách, bạn lại rảnh rỗi quá mức. Thế nên, nguồn thu từ những sản phẩm, dịch vụ do bạn tự sản xuất và kinh doanh sẽ ít rủi ro và rộng mở hơn.
Khi xác định được điều này, mình đã định hướng lộ trình phát triển trong tương lai theo hai hướng. Một là trở thành huấn luyện viên viết trong lĩnh vực sức khỏe. Hai là phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến sức khỏe mẹ và bé. Vì thế, mình quyết định hoàn thành chương trình Thạc sĩ Nhi khoa để phục vụ lộ trình số hai. Chương trình Thạc sĩ giúp mình củng cố thêm nền tảng kiến thức, tiếp cận với các bà mẹ để thấu hiểu nhu cầu của họ cũng như góp phần xây dựng thương hiệu cá nhân tốt hơn.
Còn bạn thì sao? Bạn định hướng bản thân là cây viết như thế nào? Bậc thầy viết lách sống và kiếm tiền chỉ từ con chữ hay trở thành người kinh doanh tự do với các sản phẩm, dịch vụ của riêng mình? Đây cũng là câu hỏi đầu tiên mà mình thường yêu cầu học viên trong khóa Bắt đầu sự nghiệp viết lách tự do trong lĩnh vực sức khỏe suy nghĩ và trả lời.
Nếu bạn đang quan tâm tới công việc viết lách tự do trong lĩnh vực sức khỏe, hãy nhớ rằng, bằng cấp không phải điều kiện bắt buộc để bạn dấn thân vào con đường này. Thay vào đó, hãy trau dồi kỹ năng viết và bồi đắp kiến thức chuyên môn để trở thành cây viết thực lực.
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn dừng lại ở con chữ mà còn khao khát cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thì chứng chỉ, bằng cấp sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn. Yếu tố quyết định ở đây là định hướng hiện tại và tương lai của bạn.